A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khó khăn ở thủ phủ hồ tiêu

14:50 | 03/03/2020

Được mệnh danh là “vàng đen”, hồ tiêu từng giúp hàng ngàn hộ dân đổi đời, trở thành tỷ phú. Nhưng nay, hồ tiêu lại đẩy họ đến khó khăn, nợ nần chồng chất.

Vườn tiêu của gia đình bà Hồ Thị Hằng, ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành, Bù Đốp chết ngày càng nhiều. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Những vườn tiêu chết

Đến Bù Đốp, một trong những thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước những ngày cuối tháng 2 - thời điểm thu hoạch tiêu, không còn không khí tấp nập như thời điểm giá tiêu đạt hơn 200 ngàn đồng/kg. Những vườn tiêu vắng bóng người, từ vườn xanh tốt đến những vườn vàng hoe vì đổ bệnh.

Vừa cào những mẻ tiêu mới hái, phơi khô để kịp bán trả nợ, không giấu được nỗi buồn trên khuôn mặt khắc khổ, ông Đỗ Xuân Thê ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp cho biết, 10 năm trước, khi tiêu có giá, thấy mọi người đổ xô vào trồng, gia đình cũng sốt ruột, nên sau đó quyết định phá bỏ 2ha cao su để trồng tiêu. Nhưng chưa kịp thu hoạch thì giá tiêu bắt đầu lao dốc. Từ hơn 2.000 trụ, nay chỉ còn chừng một nửa, vì tiêu mất giá, không dám bỏ tiền đầu tư, dẫn đến thiếu nước, dịch bệnh.

Nhìn vườn tiêu ngày càng héo mòn, ông Thê rầu rĩ: Năm nay tiếp tục thất thu rồi, không chỉ riêng gia đình tôi, mà cả ấp này, phần lớn đang gặp khó khăn.

Nhà nào có cao su, điều còn đỡ, chứ chỉ có tiêu thì rất khó khăn. Bây giờ chúng tôi muốn đầu tư, khôi phục lại vườn tiêu hoặc chuyển đổi cây trồng, xen canh, nhưng cái khó bó cái khôn, vốn không có, vay cũng khó.

Không may mắn còn có tiêu để phơi bán như hộ ông Thê, gia đình bà Hồ Thị Hằng ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành tìm vài chuỗi tiêu để kho cá cũng khó.

Dẫn chúng tôi thăm “nghĩa địa tiêu” của gia đình mình, gỡ từng nhánh tiêu khô bà Hằng buồn rầu cho biết: “Nhà tôi có hơn 1.000 trụ, chết rất nhiều, chỉ còn vài trăm trụ nhưng cũng rất èo uột. 10 năm trước vào đây lập nghiêp, mới bỏ vốn đầu tư, chưa thu được bao nhiêu thì tiêu rớt giá, sau đó là bệnh chết. Mỗi lần đổ thuốc hơn chục triệu, chưa kể công cán.

Hiện tại vườn chết gần hết, gia đình đang tính cải tạo đất trồng cây khác. Tiền thuê nhân công hái cũng 200 ngàn đồng 1 người/ngày, có khi còn hơn. Nên nếu giá tiêu đạt thì sau khi trả công cũng chỉ dư chút ít thôi, tiêu thất thì phải bù lỗ thêm cho công hái, cho nên nhiều nhà bỏ luôn không hái”.

Nợ ngân hàng khó trả

Đa số người dân địa phương cho biết để đầu tư vào hồ tiêu, hầu hết người dân nơi đây đều thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, hộ ít vài chục triệu đồng, hộ nhiều lên đến hàng tỷ đồng. Do tiêu vừa chết, vừa mất giá, nên bà con lâm cảnh khó khăn.

Bên cạnh những người vẫn bám lấy cây tiêu, chờ mong giá tiêu khởi sắc thì rất nhiều gia đình đã quyết định chặt bỏ tiêu, trồng cây khác. Chấp nhận mất trắng tiền đầu tư.

Hái vội những chuỗi tiêu xanh, chín lẫn lộn để phá bỏ, chuyển sang trồng cây ngắn ngày, chị Bùi Thị Bình ở ấp Tân Bình, xã Tân Tiến cho biết, gia đình có trên 1.500 trụ tiêu xanh tốt, nhưng đành phá bỏ dù rất xót xa.

Để được số tiêu này gia đình phải thế chấp tài sản, vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng, nếu để lại cho dù thu hoạch có năng suất cũng chỉ đủ trả tiền công, trong khi lãi ngân hàng phải đóng hàng tháng, hàng quý.

“Cây tiêu cưa bỏ như mất đi một phần trong cơ thể mình, buồn lắm. Để làm ra cây tiêu tới ngày thu hoạch phải đầu tư rất nhiều. Bây giờ dân không có tiền mặt toàn phải vay vốn tiền ngân hàng để đầu tư. Tính đi tính lại lỗ quá, đành phải bỏ thôi. Hiện gia đình đang tính chuyển đổi trồng cao su. Trước mắt tỉa bắp và nuôi thêm dê để có tiền trả lãi ngân hàng”, chị Bình buồn rầu nói.

Nhiều hộ đã cắt bỏ vườn tiêu, trồng cây khác. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Vòng Cám Sáng, hộ trồng tiêu cùng ở ấp Tân Phong thì "mong muốn lớn nhất của bà con là ngân hàng cho gia hạn, khất nợ để duy trì vốn đầu tư. Hy vọng tiêu lên giá bà con mới có tiền trả nợ, chứ bây giờ chỉ có giao hết cho ngân hàng thôi chứ chúng tôi lấy đâu ra tiền trả”.

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Bình Phước, năm 2019 tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 16.855ha, giảm 132ha so với cùng kỳ.

Trong đó có trên 892ha nhiễm bệnh tuyến trùng, 339ha nhiễm bệnh chết chậm chủ yếu tập chung ở 2 huyện Bù Đốp và Lộc Ninh.

Trao đổi về thực trạng cây hồ tiêu và giải pháp phát triển ngành nông nghiệp địa phương, TS Nguyễn Văn Bắc, Quyền Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết, diện tích hồ tiêu của huyện Bù Đốp trong 3 năm qua giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả xuống, nên bà con lơ là trong khâu chăm sóc dẫn đến vườn bị suy yếu kéo theo dịch bệnh.

Vùng trồng tiêu đang rất khó khăn, nếu chờ đợi thu nhập từ cây tiêu để quay lại đầu tư thì chắc chắn không đủ nên những người muốn giữ cây tiêu bắt buộc phải có thêm thu nhập khác.

Thực tế hầu như nông dân trồng tiêu Bù Đốp phải vay ngân hàng nên bây giờ trả lãi cho ngân hàng cũng là vấn đề khó khăn đối với bà con.

Trung tâm cũng đã nỗ lực hết sức, hướng dẫn bà con trồng một số cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên diện tích đất còn lại nhằm lấy ngắn nuôi dài, trang trải khó khăn trước mắt.

Đồng thời, kiến nghị ngành ngân hàng có các biện pháp hỗ trợ kịp thời như tiếp tục cho vay ngắn hạn để chăm sóc, cho vay trung dài hạn để đầu tư xen canh đối với các khách hàng còn vườn cây.

Còn giải pháp lâu dài là phải quy hoạch lại vùng sản xuất, sau đó đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuẩn hóa quy trình canh tác, liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng nông nghiệp sạch. Đây là hướng đi tất yếu để phát triển cây tiêu bền vững.

“Chủ trương của tỉnh Bình Phước và huyện là không phát triển thêm cây hồ tiêu, đồng thời khuyến cáo bà con không nên “chặt cây này trồng cây khác”, mà xem xét giữ cây trồng hiện tại nếu cây không bệnh, chết. Còn chuyển đổi thì phải tìm cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Hoặc không chuyển đồi toàn bộ mà chuyển từng phần, hoặc trồng xen”, TS Nguyễn Văn Bắc.

Hồng Thuỷ

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/kho-khan-o-thu-phu-ho-tieu-d258820.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ