A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trang trại 100.000 ngàn cây mít, sầu riêng chuẩn quốc tế trên đất Kon Tum

15:27 | 06/05/2020

Trang trại 230 ha mít Thái và sầu riêng hảo hạng Musang King tại huyện Đăk Hà đạt chuẩn GlobalGAP thực sự tạo ra cú hích cho ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum.

Vào những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp ghé thăm trang trại cây ăn quả của Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát nằm tại xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà. Trang trại có tổng diện tích 230 ha hiện đang trồng hơn 80.000 cây mít Thái xen 20.000 cây sầu riêng thương hiệu Musang King từ Malaysia.

Mít chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Lê Khánh.

Mô hình cây ăn quả lớn nhất huyện Đăk Hà

Trang trại cây ăn quả Nghĩa Phát được trồng trải dài trên những ngọn đồi uốn lượn, phía dưới được bao bọc bởi dòng sông mênh mông nước. Anh Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát cho biết, những năm trước, nơi này là rừng cao su. Nhưng rồi giá cao su lao dốc thê thảm khiến Công ty buộc phải chặt bỏ dù đã đầu tư khá nhiều tiền.

Tuy nhiên, tìm phương án tái đầu tư cây trồng khác sao cho hiệu quả lại là bài toán không hề dễ dàng. Ban đầu, Công ty lựa chọn trồng cây chanh dây nhưng tính toán kỹ lại thấy bấp bênh vì giá chanh dây lên xuống thất thường.

“Chọn cây ăn quả dài ngày và trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ là hướng phát triển bền vững”, anh Tuấn lý giải cho việc chọn mô hình trồng mít xen lẫn sầu riêng.

Anh Tuấn cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 500 tỷ đồng được trải đều trong 4 năm bao gồm các hạng mục: chi phí đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh và chi phí quảng bá ra nước ngoài.

Để giải bài toán nguồn kinh phí, ngoài nguồn lực tài chính tự có, trang trại cũng nhận được sự hỗ trợ vay vốn khoảng 30-40% theo các gói hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh và Trung ương.

Sau 1 năm xuống giống, đến nay những cây mít đầu tiên đã chuẩn bị cho thu hoạch. Theo dự kiến, đến tháng 6 có khoảng 5.000 quả mít được đưa đi triển lãm tại các thành phố lớn trong cả nước. Đến tháng 10, sẽ thu hoạch khoảng 60.000 quả mít cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cây ăn trái được trồng trải dài trên những ngọn đồi. Ảnh: LK.

Tuy nhiên, theo anh Tuấn, chủ lực của trang trại chính là cây sầu riêng bởi giá trị của nó rất lớn. Tìm hiểu được biết, Việt Nam đã từng nhập sầu riêng thương hiệu Musang King từ Malaysia với giá 2 triệu đồng/kg. Hiện tại thị trường ở TP. HCM chào bán loại sầu riêng này với giá tách vỏ 1,2 triệu/kg. “Nếu thuận lợi, từ năm thứ 5 trở đi, dự kiến thu hoạch cho cả mít và sầu riêng đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/ha/năm”, anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh Phạm Anh Tuấn, GlobalGAP là bộ tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế được hầu hết các nước phát triển xem xét như một điều kiện quan trọng để nhập khẩu rau quả. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho sản phảm, GlobalGAP còn có các quy định liên quan tới bền vững môi trường và xã hội.

Việc áp dụng GlobalGAP về tổng thể không làm tăng chi phí mà thậm chí giúp Công ty tăng năng suất, tăng chất lượng đầu ra và giảm rủi ro, lãng phí. 

 “Những trái cây đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP nghĩa là được thừa nhận đảm bảo chất lượng trên toàn cầu, sản phẩm sẽ dễ dàng tiêu thụ, lưu hành ở mọi thị trường trên thế giới và mang lại lợi nhuận cao hơn”, anh Tuấn chia sẻ.

Sầu riêng là sản phẩm chủ lực của trang trại. Ảnh: LK.

Với những quy định khắt khe đó, từ năm 2018 đến nay, trang trại Nghĩa Phát đã tuyển dụng hơn 10 kỹ sư nông nghiệp và 100 lao động để đưa đi học tập kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn ở các đơn vị có mô hình trồng cây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trong nước. Cùng với đó là sự tư vấn và hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật nước ngoài có liên quan đến việc cấp chứng chỉ này tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian qua, trang trại chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ tưới phun sương, cùng với các loại phân, chất dinh dưỡng đều được định lượng chính xác, hòa tan trong nước và theo đường nước đến tận từng gốc cây.

Theo anh Tuấn, mô hình cây ăn quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn, chỉ có số ít đơn vị chuyên canh hoa quả xuất khẩu với quy mô lớn sớm mạnh dạn áp dụng.

Do đó, trái cây có GlobalGAP của các hộ dân nhỏ lẻ cũng chỉ được thương lái thu mua cùng với trái cây phổ thông dẫn tới hiệu quả thấp trong khi phải tuân thủ các quy trình và nhiều điều kiện khắt khe.

“Hiện nay, người tiêu dùng coi vấn đề an toàn thực phẩm là "thước đo" quan trọng nhất của sản phẩm cây ăn quả. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm càng đòi hỏi cao hơn. Chính vì vậy, để có đầu ra ổn định thì người sản xuất phải tạo ra các sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Đó là cách để có thể tồn tại, phát triển lâu dài, ổn định” – anh Tuấn nói và cho biết, mục tiêu chính của trang trại là xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc.

Với mô hình trang trại hiện có, trang trại Nghĩa Phát cũng sẵn sàng đón các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu đến tham quan và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình trồng nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhằm tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa sạch, an toàn cho người tiêu dùng ngay trên quê hương mình.

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đăk Hà: Đây là mô hình trang trại cây ăn quả lớn nhất huyện Đăk Hà. Trang trại có nhiều điểm mới, được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn GlobalGAP chắc chắn sẽ tạo cú hích cho người dân và đơn vị khác học tập, phát triển. Trước mắt, trang trại đang tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đặt vấn để với trang trại nhằm hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp trong vùng để nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hướng đến phát triển bền vững.

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ