A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhập lợn giống: Cũng chỉ là giải pháp tình thế

10:10 | 23/07/2020

Lợn giống nhập từ các nước, nhất là từ Thái Lan đang ồ ạt vào Việt Nam, nhưng theo giới chuyên gia, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài ngành chăn nuôi trong nước vẫn phải chủ động nguồn lợn giống vì dịch bệnh được dự báo còn kéo dài.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước nhập khẩu 11.411 con lợn giống các loại (tăng 32,6 lần so với cùng kỳ 2019), trị giá gần 8,1 triệu USD (tăng 15,3 lần). Trong đó lợn giống được nhập khẩu từ Thái Lan là 5.774 con (chiếm 50,6%).

Theo Cục Chăn nuôi, việc nhập khẩu lượng lớn lợn nái lai F1 từ Thái Lan là giải pháp tình thế nhằm giải quyết nhanh bài toán tăng đàn trong thời gian ngắn.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, số lợn giống đã nhập và đăng kí nhập khẩu năm 2020 sẽ thay thế cho đàn lợn giống nhập khẩu từ năm 2016 đến thời gian loại thải và bù đắp cho đàn nái giống bị giảm do bệnh dịch.

Ngành nông nghiệp xác định tăng cường nhập khẩu và tháo gỡ khó khăn trong nhập khẩu lợn giống là một trong những biện pháp thúc đẩy sản xuất, làm chủ được ngành chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Tuy nhiên giải pháp lâu dài vẫn là chủ động tái tạo nguồn giống lợn trong nước.

Hiện cả nước vẫn giữ được đàn lợn giống lớn với hơn 2,7 triệu con lợn nái và hơn 50 nghìn con lợn đực giống. Đây là một trong những cơ sở thuận lợi để ngành nông nghiệp đảm bảo tái đàn, đến quý IV năm nay sẽ đạt được số lượng đàn lợn như trước khi có dịch tả lợn châu Phi (cuối năm 2018). Cụ thể, hiện nay cả nước có khoảng 120 nghìn con lợn nái giống (Landrace, Yorkshire…).

Trong số hơn 100 cơ sở giống lợn, tổng đàn nái hơn 109 nghìn con thì các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 67% tổng cơ sở và 37% tổng đàn nái nguồn; các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 33% tổng số cơ sở và khoảng 63% tổng đàn nái nguồn.

Ở một diễn biến liên quan, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP)  tại 773 xã (bao gồm 25 xã có ổ bệnh, 228 xã tái phát dịch và 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020) ở 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố trên cả nước, buộc tiêu hủy 34 nghìn con lợn.

Thời gian gần đây, DTLCP  tái  phát  mạnh ở một số địa phương như: Cao Bằng, Lai Châu, Ðiện Biên…,  và có nguy cơ lây lan diện rộng, ảnh hưởng việc tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn. Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn dịch, song điều đáng lo ngại là các ổ dịch lại xuất hiện rải rác ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp, chưa được khống chế, gây thiệt hại nặng nề đối với các nông dân mới “gượng dậy” tái đàn sau đợt DTLCP xảy ra năm 2019.

Với dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, về lâu dài, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để khôi phục đàn lợn công tác giống là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất và chất lượng đàn lợn. Vì vậy cần tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi.

Để tái đàn hiệu quả, Bộ NNPTNT cũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho các gia trại, trang trại bị ảnh hưởng bởi DTLCP để người chăn nuôi có vốn duy trì sản xuất,  tái đàn và tăng đàn. Đề xuất và tạo điều kiện về quỹ đất để chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ cách xa khu dân cư.

Bộ chủ quản cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại hỗ trợ về lãi suất để người chăn nuôi tổ chức tăng đàn, tái đàn trong thời gian ngắn nhất đảm bảo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá thịt lợn cũng như tăng nguồn cung thịt lợn trong nước.

Giới chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, cần phải có chiến lược và kế hoạch dài hơn, chủ động hơn nữa với nguồn lợn giống. Đặc biệt, cần phải làm chủ được toàn bộ hệ thống chuỗi của ngành giống từ cụ kỵ, ông bà tới bố mẹ mới có thể làm chủ được ngành chăn nuôi trong tương lai.

Nhập khẩu 80% lợn giống gốc

Theo Bộ NNPTNT, hiện có đến 80% con giống gốc phải nhập khẩu, sản xuất trong nội địa chỉ chiếm 20%. Vì vậy về lâu dài cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như an toàn sinh học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tín dụng, tháo gỡ khó khăn về đất đai để nâng cao năng lực công tác sản xuất giống, phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

HẠNH NHÂN

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/nhap-lon-giong-cung-chi-la-giai-phap-tinh-the-491845.html

 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ