A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk R’lấp từng bước tạo vùng nguyên liệu dưa lưới

16:35 | 17/11/2020

Những năm gần đây, nhiều người dân huyện Đắk R’lấp đã đầu tư sản xuất dưa lưới và có thu nhập cao. Huyện Đắk R’lấp cũng đang nhân rộng mô hình sản xuất loại cây trồng này, từng bước tạo vùng nguyên liệu quy mô, tâm cỡ.

Giữa năm 2020, gia đình ông Lê Huy Hồng, ở thôn 5, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp), đầu tư 160 triệu đồng để dựng khu nhà lồng rộng 500m2. Phần đất xây dựng nhà lồng trước đây gia đình ông trồng cây công nghiệp, nhưng kém hiệu quả.

Vườn dưa lưới của ông Lê Huy Hồng, ở thôn 5, xã Kiến Thành sinh trưởng, phát triển tốt

Sau khi san ủi và lợp màng toàn bộ xung quanh nhà lồng, ông tiếp tục cải tạo đất, vun luống và hệ thống nước tưới nhỏ giọt. Cách đây khoảng 2 tháng, ông đưa giống dưa lưới Nhật mua ở TP. Hồ Chí Minh về ươm và xuống giống trồng trên các luống. Theo ông Hồng, mỗi vụ dưa lưới thường kéo dài khoảng 2 tháng. Giống và phân bón, chất dinh dưỡng… chăm sóc cho cây tương đối rẻ, chỉ khoảng 20 triệu đồng/500m2 đất.
Tuy nhiên, dưa lưới là loại cây khó tính nên phải trồng trong nhà lồng để hạn chế tác động từ thời tiết và sâu bệnh. Quy trình chăm sóc cây được thực hiện nghiêm ngặt từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch thì cây mới phát triển khỏe, quả lên mắt lưới đều, bảo đảm độ ngọt…

Ngày nào ông Hồng cũng ra vườn, theo dõi biểu hiện của cây và ghi chép vào sổ đầy đủ. Ông ước tính, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật và với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg như hiện tại, vườn dưa rộng 500m2 có thể mang lại lợi nhuận khoảng 30 - 40 triệu đồng/vụ.

Ông Hồng cho hay, đây là vụ đầu tiên gia đình trồng dưa lưới, nên kinh nghiệm chưa có nhiều, lợi nhuận cũng chưa đáng kể. Tuy nhiên, qua vụ này ông có thêm nhiều kinh nghiệm về phòng ngừa sâu bệnh, kỹ thuật chăm sóc cây và quả… Hiện tại, gia đình ông đã bàn bạc, quyết định đầu tư thêm một nhà lồng mới với diện tích 600m2 để trồng dưa lưới.

Thương lái tìm đến tận vườn của người dân xã Kiến Thành để thu mua dưa lưới với giá cao

Trước ông Hồng, tại thôn 5, xã Kiến Thành, đã có nhiều hộ dân chuyển đổi cây trồng, đầu tư nhà lồng để trồng dưa lưới. Theo ông Nguyễn Văn Thêu, Thôn trưởng thôn 5, toàn thôn đã có 4 hộ đầu tư nhà lồng để trồng dưa lưới. Trong số này, có 2 hộ đã trồng từ năm 2019, thu hoạch qua nhiều vụ.

Ông Thêu cho hay: “Người trồng trước chỉ kinh nghiệm cho người trồng sau, nên việc chăm sóc cây cũng thuận lợi hơn. Giá cả dưa lưới hiện tại cũng khá cao và được thương lái tìm mua tận vườn". Cũng theo ông Thêu, dưa lưới là loại cây khó tính và cần vốn đầu tư bước đầu khá nhiều. Nếu được hỗ trợ về vốn thì dưa lưới là loại cây có thể giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống rất hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn xã Kiến Thành đã có nhiều hộ dân đầu tư hệ thống nhà lồng, trang thiết bị để trồng dưa lưới. Theo nhận định của người dân, cây dưa lưới bước đầu thể hiện sự phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Trong đó, giống dưa lưới Nhật Matsue 66 được các công ty giống cung ứng về tận nơi, bảo đảm tỷ lệ nảy mầm và giá cả hợp lý (khoảng gần 2.800 đồng/hạt). Dưa lưới được chăm sóc theo quy trình sinh học, chất lượng bảo đảm nên dễ tiêu thụ.

Nhiều người dân xã Kiến Thành xây dựng nhà lồng để mở rộng diện tích dưa lưới

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp Phạm Quang Vượng, trên địa bàn huyện hiện có 11 hộ dân đã đầu tư trồng dưa lưới trong nhà lồng, với tổng diện tích trên 1,4 ha. Qua theo dõi bước đầu, các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… của Đắk R’lấp đều thuận lợi cho việc trồng dưa lưới.

Người dân trồng dưa lưới ở địa phương đã áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, từng bước tiếp cận với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dưa lưới được trồng ở huyện Đắk R'lấp có chất lượng khá tốt, giá bán cao, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng. Hiện giá dưa lưới đạt chất lượng được thương lái mua tại vườn khoảng trên 30.000 đồng/kg. Mỗi vụ dưa lưới kéo dài khoảng hơn 2 tháng có thể mang lại cho người dân từ 50 - 70 triệu đồng/0,1 ha.

Trước những tín hiệu tích cực, huyện Đắk R’lấp đang hướng tới việc xây dựng thương hiệu dưa lưới tại địa phương. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện vẫn đang thận trọng với loại cây trồng này, nên kế hoạch mở rộng diện tích dưa lưới chỉ từ 1 - 2 ha mỗi năm. Huyện cũng đang xúc tiến thành lập hợp tác xã sản xuất dưa lưới sinh học trên cơ sở các tổ hợp tác hiện tại; làm quy trình chứng nhận VietGAP cho dưa lưới và hướng tới việc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, nhãn mác…

Ông Vượng chia sẻ: "Chất lượng tốt rồi, thương hiệu cũng sẽ làm được nhưng quan trọng nhất là phải thành lập được hợp tác xã để ký kết các hợp đồng liên kết, cung ứng sản phẩm theo chuỗi. Khi đầu ra bảo đảm, sản phẩm được bao tiêu thì việc phát triển dưa lưới mới thực sự bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân và từng bước trở thành thương hiệu của địa phương".

Bài, ảnh: Lê Phước

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/dak-r-lap-tung-buoc-tao-vung-nguyen-lieu-dua-luoi-83154.html

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ