A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đất Tây Nguyên bị 'bóc lột' nghiêm trọng: Hậu quả!

10:12 | 19/11/2020

Diện tích tăng, năng suất và sản lượng giảm, đất bị thoai hóa nghiêm trọng... Đó là hậu quả tất yếu của ngành cà phê và hồ tiêu Việt Nam.

Tiêu chết hàng loạt.

Cà phê: Diện tích tăng, sản lượng giảm

Điều đáng lo ngại là trong 650 nghìn ha cà phê ở năm 2015, không ít diện tích cà phê đã... lên tuổi “cụ”. Thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Năm 2015, có khoảng 86 nghìn ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), 140 nghìn ha từ 15 - 20 năm tuổi (chiếm 25%).

Bên cạnh những vườn cà phê “cụ”, cũng có nhiều vườn cà phê tuy năm tuổi chưa cao, nhưng đã có dấu hiệu muốn... lên lão!  Nguyên nhân: Những vườn cà phê này, khi trồng không chú ý đến khâu chọn giống; quá trình chăm sóc, thu hái không đúng quy trình; nhiều vườn do thiếu nước tưới dẫn đến mất sức; sử dụng phân bón mất cân đối, thuốc BVTV không hợp lý theo hướng thâm canh cao độ để hy vọng đạt được năng suất cao nhất có thể...

Thực trạng từ những vườn cà phê nói trên đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng hạt cà phê. Thực tế thời kỳ bùng nổ diện tích: Năm 2011, năng suất bình quân cà phê cả nước đạt 23,5 tạ/ha, đến năm 2014 chỉ còn 22,2 tạ/ha; sản lượng tăng nhẹ: 1.276,5 nghìn tấn năm 2011 lên 1.395,6 nghìn tấn năm 2014, trong khi diện tích lại tăng nhanh: 586 nghìn ha năm 2011 lên 641,7 nghìn ha năm 2014 (nguồn: Tổng Cục Thống kê và Trung tâm Thống kê Tin học - Bộ Nông nghiệp- PTNT).

Năm 2019, diện tích cà phê trở về còn 585.000ha, năng suất 2,4 tấn/ha.

Hồ tiêu: Thâm canh quá độ

Hàng ngàn ha hồ tiêu ở Tây Nguyên đang bị bệnh, dẫn đến bị chết, nguyên nhân không khó nhận diện: Đó là chính những chủ vườn đang vô tình “đầu độc” vườn tiêu của chính mình, dưới nhiều hình thức: Kiến thức về chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách chọn giống...

Giá hồ tiêu liên tục tăng cao trong nhiều năm dẫn đến việc người dân thâm canh quá mức: Sử dụng phân bón quá liều lượng, không cân đối tỷ lệ N - P - K và các chất kích thích, phân bón đậm đặc để thu năng suất cao đã làm cho cây mất cân bằng dinh dưỡng, sức khỏe của cây bị giảm sút, mất khả năng đề kháng tự nhiên dẫn đến suy giảm tính chống chịu và dễ bị nấm bệnh tấn công gây hại. Một nguyên nhân khác là do sử dụng giống không được chọn lọc, không rõ nguồn gốc, bị nhiễm bệnh trước khi trồng ra vườn.

Ồ ạt mở rộng diện tích, trong khi kiến thức về cách chăm sóc, cách sử dụng thuốc BVTV, sử giống tốt lại không đầy đủ, dẫn đến hệ lụy là vườn cây ngày một xuống cấp, dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát.

Nông dân Lê Thanh Hưng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai) có vườn tiêu hơn 1.300 trụ đang trong giai đoạn thu hoạch, đột nhiên chết đồng loạt không rõ nguyên nhân. Ban đầu chết rải rác, rồi chết cả vườn, ai bày gì anh cũng thử, đủ cách nhưng vườn tiêu vẫn vô phương cứu chữa. Hỏi chết vì bệnh gì: Bó tay!

Nhổ trụ tiêu đem bán.

Theo ThS Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu: Nói về bệnh vi rút trên cây hồ tiêu, ở Gia Lai nhiều vườn tiêu bị nhiễm rất nặng. Bệnh này lây lan từ mẹ sang con, nếu lấy giống từ vườn bị nhiễm vi rút, mầm bệnh sẽ phát tán khắp nơi. Trong khi cây hồ tiêu được nhân giống vô tính, việc cắt cành giâm làm giống làm cho việc lây lan từ vườn này sang vườn khác càng trở nên nghiêm trọng. Hoặc trong quá trình canh tác, chỉ cần 1 đến 2 trụ trong vườn bị nhiễm mà người dân làm cỏ, cắt cành vô tình không vệ sinh dụng cụ cũng bị lây bệnh sang cây khác.

Đất bị “đầu độc” nặng

Tình trạng sử dụng hóa chất nông nghiệp không phù hợp vô tình làm cho đất bị “đầu độc” một cách nặng nề.

Ở Tây Nguyên, các loại hóa chất nông nghiệp phổ biến gồm phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học, thuốc trừ cỏ... Việc sử dụng phân bón hóa học không theo quy trình kỹ thuật và luôn ở mức cao và không cân đối, không hợp lý dẫn đến tình trạng dư thừa trong đất. Điều này không những gây thất thoát lãng phí mà còn dẫn tới những tác động không tốt đến môi trường đất, nước như làm giảm độ pH gây chua đất, làm thay đổi hệ vi sinh vật đất và có nguy cơ ô nhiễm đến môi trường đất và nước...

Thực tế cho thấy suốt một thời gian dài, nông dân trồng cà phê, hồ tiêu thường sử dụng một lượng thuốc BVTV rất lớn, không những phun lên cây mà còn tưới xuống đất. Việc sử dụng cũng không đúng kỹ thuật, không tuân theo các khuyến cáo, có xu hướng sử dụng liều lượng cao hơn khuyến cáo, pha trộn nhiều loại thuốc nhằm tăng hiệu quả, thậm chí đôi khi sử dụng không đúng thời điểm... Tất cả điều đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho cây trồng và môi trường: Làm cây trồng yếu đi, sâu bệnh nhờn thuốc, tồn lưu dư lượng trong môi trường (không khí, đất, nước) gây ô nhiễm; dư lượng trong sản phẩm làm giảm chất lượng, giá trị.

Theo ThS Nguyễn Quang Ngọc thì: Ngoài sử dụng thuốc BVTV, việc sử dụng thuốc trừ cỏ đã để lại nhiều hệ lụy khôn lường. Thuốc trừ cỏ người dân sử dụng chủ yếu là Glyphosate là một hoạt chất cực độc, gây hại trên nhiều đối tượng gồm cả thực vật và động vật. Với mức độ rất phổ biến và phun với nồng độ rất cao, thường là cao hơn khuyến cáo của nhà sản xuất, bên cạnh đó là sự pha trộn với một số loại thuốc trừ cỏ khác như thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm nhằm kéo dài thời gian diệt cỏ... dẫn đến các tác hại dễ thấy như: Làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động; suy thoái môi trường đất, ô nhiễm môi trường nước; làm suy giảm hệ vi sinh vật có lợi trong đất; mất lớp phủ thực bì bảo vệ mặt đất, mất sự đa dạng sinh học trong vườn cây; làm mất nguồn hữu cơ quý giá (biến cây cỏ thành chất độc)…

Trần Đăng Lâm

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/dat-tay-nguyen-bi-boc-lot-nghiem-trong-hau-qua-d278200.html

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ