A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Không còn thị trường dễ tính cho nông sản

08:05 | 16/01/2021

Xuất khẩu cà phê, rau quả ngày càng khó khăn không chỉ do dịch bệnh Covid-19 mà còn bởi sự thay đổi canh tác chưa theo kịp quy định mới của thị trường

Chiều 15-1, tại Hội nghị Tổng kết niên vụ cà phê 2019 - 2020 do Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) tổ chức ở TP HCM, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa, cho hay Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến cáo thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam đang kiểm soát chặt chỉ tiêu glyphosate (thuốc trừ cỏ) và hiện có rất ít lô hàng đạt chuẩn. "Hiện chỉ có nguồn hàng từ Gia Lai là doanh nghiệp (DN) có thể yên tâm xuất sang EU. Giá bán cà phê Gia Lai cũng cao hơn hẳn. Các địa phương khác cần học cách làm của Gia Lai vì đây là cách thiết thực để nâng cao thu nhập cho người dân" - ông Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) - cảnh báo hiện tượng một số thương lái mua cà phê từ các vùng nhiễm glyphosate trộn với cà phê Gia Lai khiến nhiều lô hàng bị loại vì nhiễm chéo. Do đó, vấn đề hiện nay là quản lý chặt chẽ vùng trồng để loại ra những vùng bị nhiễm glyphosate để xử lý riêng, không để lẫn với các lô hàng đạt chuẩn.

Tiêu chuẩn cà phê và nhiều loại nông sản khác đều phải nâng cao mới xuất khẩu được

"Các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp thuế quan hạ xuống nhưng ngành cà phê phải chuẩn hóa vùng trồng, thu hái, chế biến và khả năng truy xuất nguồn gốc mới có thể giữ thị trường. Nếu tiếp tục để tình trạng đấu trộn cà phê từ nhiều nguồn, tương lai chúng ta có thể không xuất khẩu được, ngay cả cà phê thô" - ông Hiệp lo lắng.

Theo Vicofa, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 2,8 tỉ USD, giảm 5,3% về giá trị so với năm 2019; sản lượng xuất khẩu 1,61 triệu tấn, giảm 5% so với năm 2019. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, nhìn nhận ngành cà phê Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng giá (bắt đầu từ năm 2014) khiến nông dân và DN gặp nhiều khó khăn. "Vicofa đang cùng các bộ, ngành thực hiện chương trình kích cầu nội địa giúp tăng đầu ra cho nông dân. Hiện tại, sản lượng tiêu thụ nội địa đang tăng nhờ sự đầu tư của nhiều chuỗi cà phê cũng như xu hướng sử dụng cà phê nguyên chất" - ông Tự nhận xét.

Sáng cùng ngày, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội nghị "Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) - Cơ hội thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt Nam với thị trường".

Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T Group, nhận định nông sản, cụ thể là rau quả, sẽ gặp khó khăn hơn là thuận lợi dù thuế quan hạ xuống.

Theo ông Tùng, Trung Quốc là thị trường lớn nhất vừa siết nhập khẩu chính ngạch vừa chặn tiểu ngạch. Hiện Việt Nam chỉ có 10 mặt hàng được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: sầu riêng, khoai lang, chanh leo… chưa được xuất khẩu. Trước đây, Trung Quốc chỉ kiểm soát nhà nhập khẩu, nay kiểm soát luôn nhà xuất khẩu, hàng hóa bắt buộc phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Do đó, chỉ có trái cây nằm trong khu vực có mã vùng trồng sang Trung Quốc mới xuất khẩu được, không thể lấy hàng từ vùng khác đưa vào vì họ kiểm soát cả sản lượng.

"Như vậy, rau quả Việt Nam không còn thị trường nào là dễ tính, tất cả đều phải được kiểm soát bài bản và truy xuất được nguồn gốc. Trước mắt, rau quả sẽ gặp khó khăn nhưng nếu nông dân chuyển đổi canh tác theo yêu cầu của Trung Quốc thì những thị trường khác cũng có thể đáp ứng được" - ông Tùng nhìn nhận. 

Phải canh tác theo cánh đồng mẫu lớn

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chỉ lúa mà cây ăn quả cũng sẽ phải canh tác theo "cánh đồng mẫu lớn" để tạo được vùng nguyên liệu lớn về số lượng, đồng đều mẫu mã và kiểm soát được chất lượng.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/kinh-te/khong-con-thi-truong-de-tinh-cho-nong-san-20210115222237632.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ