A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghịch lý thị trường hồ tiêu

13:40 | 22/04/2021

Thời gian qua, giá hồ tiêu liên tục tăng cao. Thế nhưng, lượng hồ tiêu giao dịch trên thị trường lại giảm mạnh.

Theo một số nhà đầu tư, nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dân, doanh nghiệp đang “găm” hàng chờ giá tăng cao hơn.

Giá tiêu tăng, nhưng giao dịch giảm mạnh

Hiện nay, phần lớn nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã cơ bản thu hoạch xong vụ hồ tiêu. Dù đang ở thời điểm được giá, nhưng nhiều người dân vẫn chưa xuất bán hồ tiêu, với kỳ vọng mức giá sẽ tiếp tục tăng.

Nông dân Đắk Mil thu hoạch hồ tiêu

Gia đình chị Trần Thị Quyên, ở huyện Đắk Song, vừa thu hoạch xong vụ hồ tiêu 2020-2021. Theo chị Quyên với 3 ha hồ tiêu, gia đình thu được hơn 10 tấn hạt. Do cần tiền trang trải hàng ngày nên gia đình chị đã bán 5 tấn hồ tiêu khô, với giá 80.000 đồng/kg. Số tiêu còn lại, gia đình chị cất trong kho, chưa vội bán, vì chờ giá tăng cao hơn. "Nếu giá xuống thấp, gia đình tôi cũng chấp nhận, coi như “được ăn cả ngã về không”", chị Quyên cho biết.

Còn bà Tạ Thị Bằng, chủ doanh nghiệp thu mua nông sản Quang Vinh (Đắk Song) cho biết, thời điểm này năm trước, doanh nghiệp xuất bán được khoảng 7.500 tấn hồ tiêu. Tuy nhiên, năm nay, giao dịch mua bán hồ tiêu lại trầm lắng, cho dù giá cả cao hơn hẳn. Cụ thể, năm nay bà Bằng mới xuất bán được 3.500 tấn tiêu khô và trong kho chỉ còn lại vài trăm tấn. Nguyên nhân chính là do nhiều người dân còn "găm" hàng để chờ giá lên. "Hiện nay, tâm lý người dân và nhà đầu tư chưa vội bán ra thị trường mà đang kỳ vọng giá sẽ cao hơn mới bán", bà Băng cho biết.

Tại huyện Đắk R’lấp, ông Huỳnh Văn Ngọc, chủ doanh nghiệp thu mua nông sản Kim Ngọc cũng cho rằng, năm nay, lượng hồ tiêu giao dịch trên thị trường giảm hẳn so với năm 2020. Cụ thể, cùng thời điểm này vào năm trước, doanh nghiệp thu mua được khoảng hơn 1.500 tấn hồ tiêu. Tuy nhiên, năm nay, doanh nghiệp mới thu mua được khoảng 700 tấn tiêu khô, giảm một nửa. Theo ông Ngọc, nguyên nhân có thể do năng suất hồ tiêu giảm, nhưng cơ bản là nông dân và một số nhà đầu tư chưa bán tiêu ra thị trường.

Giá hồ tiêu năm 2021 liên tục biến động

"Nước cờ" mạo hiểm

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, nhu cầu sử dụng hồ tiêu trên toàn thế giới đạt khoảng 510.000 tấn/năm. Nhiều năm qua, nhu cầu sử dụng hồ tiêu trên thị trường thế giới tăng bình quân 2-3%/năm. Còn sản lượng hồ tiêu toàn cầu hàng năm tăng từ 8 - 10%. Điều này cũng đồng nghĩa, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới vẫn lớn hơn cầu rất nhiều. Do đó, giá hồ tiêu tăng cao như hiện nay vẫn chưa có gì bảo đảm là ổn định, lâu dài.

Về nguyên nhân hồ tiêu ở Việt Nam tăng giá, theo nhận định của ngành chức năng, trước hết là vụ mùa năm nay muộn hơn các năm trước do biến đổi khí hậu. Phải đến tháng 4/2021, vụ thu hoạch hồ tiêu mới cơ bản kết thúc. Sự không khớp nhau giữa mùa vụ với thị trường đã khiến cho giá hồ tiêu tăng nhất thời.

 

Từ tháng 2 - 3/2021, giá hồ tiêu tăng từ 53.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg. Thậm chí, vào ngày 19/3/2021, giá hồ tiêu đã vượt mốc 80.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục của hồ tiêu trong vòng 5 năm trở lại đây.

 

Giá tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng một số người dân thu mua hồ tiêu để "găm" hàng, chờ giá cao mới bán. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu khi đến hạn xuất hàng buộc phải đẩy giá cao để thu mua cho đủ số lượng của hợp đồng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số giai đoạn giá hồ tiêu liên tục tăng.

Nông dân và nhà đầu tư đang kỳ vọng giá hồ tiêu tiếp tục tăng

Giá hồ tiêu tăng cao đã kích thích nhà đầu tư nhỏ và một bộ phận người dân mua vào, bán ra. Còn đối với nhà đầu tư lớn, hầu như không có tình trạng này. Bởi vì theo họ, "găm" hàng trong thời điểm hiện nay là một "nước cờ" hết sức mạo hiểm. Vì theo họ, nếu lượng hồ tiêu từ nước ngoài tràn vào, giá tiêu có thể sẽ giảm. Việc đầu cơ, "găm" hàng hiện nay đang ở mức cao và mức giá bán ra có thể giảm mạnh trong thời gian tới.

Trữ lượng hồ tiêu Việt Nam đang chiếm khoảng 50-60% thị phần thế giới. Do đó, khi người dân và nhà đầu tư "găm" hàng sẽ tác động rất lớn đến thị trường. "Găm hàng cũng đồng nghĩa với găm vốn. Điều này thì khó có ai duy trì được lâu", một chủ doanh nghiệp chia sẻ.

 

Xuất khẩu hồ tiêu giảm 23,4%

Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 61.621 tấn hồ tiêu, trị giá đạt 180 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng hồ tiêu xuất khẩu giảm 23,4%, nhưng kim ngạch tăng 2,2%.

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, với lượng nhập khẩu đạt 13.933 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Đứng đầu nhập khẩu tiêu trắng của Việt Nam là Hà Lan, Mỹ, Đức và Trung Quốc.

 

Bài, ảnh: Phan Tuấn

Bài viết gốc: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/nghich-ly-thi-truong-ho-tieu-85792.html

 

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ