A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trụ vững qua 'bão dịch bệnh' nhờ trồng tiêu hữu cơ

15:37 | 24/11/2021

Trong khi dịch bệnh càn quét, khiến nhiều vườn tiêu phải phá bỏ thì vườn tiêu của anh Huỳnh Tấn Vương vẫn xanh tốt bời bời, cho năng suất, chất lượng ổn định.

Cách đây 6 năm, giá hồ tiêu cao kỷ lục (có thời điểm lên đến 200.000 đồng/kg) nên nhiều hộ gia đình ở xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) đổ xô đầu tư vào trồng cây tiêu và nơi đây bỗng trở thành một trong những vùng trồng tiêu lớn của tỉnh này.

Sau một thời gian, nhiều diện tích hồ tiêu rơi vào tình cảnh bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Cùng với đó, giá tiêu hạt rớt thê thảm khiến nhiều hộ nông dân nhụt chí chặt bỏ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Trong khi nhiều vườn tiêu của người dân địa phương thường xuyên xuất hiện dịch bệnh, chết hàng loạt thì vườn tiêu của anh Huỳnh Tấn Vương (xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn phát triển xanh tốt. Ảnh: N.Đ

Tuy nhiên, vườn hồ tiêu của anh Huỳnh Tấn Vương (42 tuổi, trú thôn 3, xã Nghĩa Lâm) lại không bị cuốn vào dòng thoái trào đó mà vẫn duy trì, phát triển xanh tốt đến bây giờ, mỗi năm vẫn đem lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. Bởi, anh Vương đã chọn một hướng đi khác là trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ.

Hiện, vườn tiêu của anh Vương có hơn 700 trụ trên diện tích gần 1ha. Không giống như thông thường, người trồng tiêu sử dụng trụ bằng bê tông có chiều cao 3 – 4m, anh Vương lựa chọn trụ bằng cây sống (cây gòn) cho tiêu leo. Anh Vương cho biết, cây gòn là loại cây dễ sống, phát triển nhanh và giá cũng rất rẻ, chỉ từ 1.000 – 2.000 đồng/cây.

Nhờ cách làm này, anh đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Nếu như các nhà vườn khác sử dụng trụ bê tông, tính tất cả tiền đầu tư như giống, phân bón, mất khoảng 120.000 – 150.000 đ/trụ thì gia đình anh Vương chỉ tốn khoảng 30.000 đồng/trụ.

“Chưa kể, trụ cây gòn cũng phát triển nhanh, chiều cao mỗi cây từ 6 – 7m, có cây lên đến 12m nên tiêu trồng trên trụ cây sống này cũng cho năng suất cao hơn. Trung bình, gia đình tôi thu được 10 kg/trụ, trong khi với trụ chết, trụ bê tông thì chỉ thu được tầm 5 – 6 kg/trụ”, anh Vương chia sẻ.

Sau khi đầu tư, anh Vương bắt tay vào tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng tránh sâu bệnh để đạt hiệu quả cao nhất. Qua một thời gian tìm tòi, anh nhận thấy trồng theo hướng hữu cơ sẽ đảm bảo được tính bền vững, an toàn. Từ đây, toàn bộ phân bón anh đều sử dụng phân chuồng và phân vi sinh, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc sinh học và "nói không" với các loại hóa chất.

“Đối với cỏ trong vườn, tôi không dùng cuốc để giẫy vì sợ ảnh hưỡng đến rễ tiêu mà cắt nhằm giữ được độ ẩm cho đất. Kết hợp với bón phân hữu cơ vi sinh nên tăng cường được các các vi sinh vật có lợi, giúp cây tiêu có thêm điều kiện để phát triển, kháng bệnh

Anh Vương cho biết, trồng tiêu theo phương pháp hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả bền vững và thu nhập ổn định. Ảnh: L.K

Mỗi đợt bón phân, tôi chỉ bón một tỷ lệ phân vi sinh nhất định cho cây đủ chất nuôi trái, còn chủ yếu là bón phân chuồng. Hiện nay, mỗi tấn phân chuồng có giá chỉ 800 nghìn đồng, mỗi đợt bón 1 - 1,5 tấn phân chuồng. Như vậy, so với các loại phân hóa học thì tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng cho mỗi đợt bón trên diện tích 1 ha”, anh Vương nói.

Được biết, đây là năm thứ 4 vườn tiêu của anh Vương cho thu hoạch ổn định. Với gần 1 ha tiêu, gia đình anh thu trung bình từ 1,2 - 1,5 tấn hạt khô mỗi năm. Theo giá bán trên thị trường hiện nay hơn 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Vương thu lãi ròng từ 60 - 70 triệu đồng.

Ông Nguyễn Duy Nhịp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lâm cho biết, thời gian qua, dịch bệnh khiến nhiều vườn tiêu ở địa phương phải chặt bỏ. Riêng vườn của anh Huỳnh Tấn Vương vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao và giảm tối đa được dịch bệnh.

“Có thể nói, phương pháp trồng tiêu của anh Vương đang thành công nhất ở địa phương cho đến thời điểm này. Toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, bón phân được anh Vương làm rất khoa học, theo phương pháp hữu cơ. Đây cũng là mô hình điểm mà địa phương định hướng nhân rộng nhằm phát huy lợi thế diện tích đất sỏi, đất gò đồi khá lớn như Nghĩa Lâm”, ông Nhịp nói. 

Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, nhờ vườn hồ tiêu của anh Vương mà nhiều người dân trong vùng cũng có công ăn việc làm. Anh Vương cho biết: Vườn hồ tiêu rộng gần 1 ha luôn có 1 - 2 lao động làm việc liên tục như tưới cây, bón phân, cắt cỏ... Đến thời vụ hái tiêu, mỗi ngày có từ 8 - 10 nhân công hái trong 1 tháng mới hết vườn tiêu. Thu nhập trung bình của mỗi nhân công từ 3-4 triệu đồng tùy năng suất công việc.

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ