A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk Lắk: Chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng

14:29 | 21/03/2022

Tây Nguyên đang bước vào đỉnh điểm mùa khô. Tại tỉnh Đắk Lắk, một số diện tích cây trồng bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu nước tưới.

Ngành chức năng cùng các địa phương và người dân đang tích cực chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Đa ở thôn 2, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) có 1,5 ha rẫy trồng xen gồm 700 cây cà phê, 300 trụ tiêu và hơn 50 cây sầu riêng. Để có nước tưới cho cây trồng, ông đào ao rộng 700 m2, sâu 8 mét tích nước và khoan thêm một giếng sâu hơn 90 mét.

Ông Đa cho biết, thời điểm này cà phê đang bước vào đợt tưới thứ hai, cây hồ hiêu cũng cần tưới nước, nhưng hiện nước trong ao đã cạn, phải sử dụng nước giếng tưới cho cây trồng.  

“Hồ của mình thì đến mùa khô là lại cạn nước. Gia đình phải khoan thêm giếng và chủ yếu tưới bằng giếng này cho tới hết mùa khô. Khi tưới cà phê thì luôn tiết kiệm nước, dùng phương pháp tưới dí, trực tiếp, căn sao cho mỗi gốc cà tầm 200 lít, hố đầy thì chuyển sang hố khác. Còn tưới hồ tiêu thì mình mạnh dạn chuyển đổi áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước”- ông Đa giải thích.

Người dân ở huyện Cư M' gar, đang áp hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước.

Huyện Cư M’gar hiện có trên 64.500 ha cây trồng, trong đó có 52.000 ha cây lâu năm gồm: Cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại cây ăn quả; trên 12.500 ha cây hàng năm là lúa, ngô, khoai lang, sắn, đậu, rau xanh...

Ông Ngô Xuân Biện, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư M’gar xác nhận, hiện nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số diện tích cây trồng ở các xã Cư M’gar, Ea M’đroh, Ea Tar, Quảng Hiệp, Cư Đliê Mnông… thiếu nước tưới. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền người dân cần sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp tại các công trình thủy lợi phục vụ tưới cho cây trồng.

Ông Biên cho biết thêm: “Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng đến cuối mùa khô, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn, xây dựng lịch điều tiết nước phù hợp cho từng vùng để đảm bảo nước đến các vườn cây, chân ruộng, tránh lãng phí gây thất thoát nước. Phòng cũng khuyến cáo bà con cần tưới tiết kiệm, khơi thông dòng chảy, chặn đắp những ao hồ nhỏ của gia đình để tận dụng nguồn nước tưới”.

Tại huyện Ea Kar, Chi nhánh Thuỷ lợi huyện Ea Kar (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk) quản lý 20 công trình thuỷ lợi, gồm 18 Hồ chứa, 1 Đập dâng và 1 Trạm bơm. Mực nước hiện tại các hồ chứa (tính đến ngày 15/2/2022): 10/18 hồ chứa đạt mực nước dâng bình thường, 8/18 hồ ở mức 74 đến 97%.

Người dân huyện Ea Kar tận dụng nguồn nước hồ để tưới cho cây trồng.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi cho biết: Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2021 -2022, Chi nhánh có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 3.025,17 ha cây trồng, trong đó: 1.012,04 ha lúa; 1.759,80 ha cà phê; 235,94 ha hoa màu và 17,39 ha thủy sản. Với tình hình nguồn nước hiện tại thì một số công trình trong vụ Đông Xuân 2021 – 2022 vẫn có khả năng bị hạn về cuối vụ, với tổng diện tích dự kiến bị hạn là 74 ha lúa.

Để bảo đảm nước tưới cho cây trồng có khả năng bị hạn trên địa bàn, Chi nhánh huyện đã chủ động lập phương án phòng, chống hạn tại các công trình: Hồ chứa nước Lồ Ô và hồ chứa nước Buôn Trưng (xã Cư Bông), hồ chứa nước Ea Bưr (xã Cư Huê), hồ chứa nước Bằng Lăng (xã Ea Sar) và hồ chứa nước Ea Dông (xã Cư Elang). Các biện pháp dự kiến là: Nạo vét kênh dẫn cửa vào cửa cống, bơm tát từ dung tích chết của hồ, điều tiết nước từ các hồ, hỗ trợ dầu cho người dân bơm tát từ ao, hồ nhỏ… Kinh phí dự trù là 55 triệu đồng.

Là đơn vị đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống hạn tại địa phương, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk hiện đang quản lý 341 công trình thủy lợi, trong đó có 247 hồ chứa, 13 trạm bơm và 82 đập dâng. Các công trình thủy lợi này phục vụ tưới tiêu cho gần 80.000 ha cây trồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo ông Nguyễn Công Hạnh, Phó giám đốc công ty, qua kiểm tra thì hiện có 118/247 hồ thủy lợi đạt mực nước dâng bình thường, 118 hồ đạt mức 70 – 90%, 8 hồ ở mức 50 – 70% và 3 hồ còn lại ở mức dưới 50%. Dự báo vùng phục vụ tưới của công ty sẽ có khoảng 1.200 ha cây trồng bị hạn, trong đó có gần 600 ha lúa, còn lại là các loại cây trồng khác, tập trung chủ yếu ở các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột. Hiện công ty đang phối hợp với ngành chức năng xây dựng các phương án, chuẩn bị nhân lực, vật tư, máy móc để chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng.

Cụ thể như: dùng bao tải đất đắp nâng mặt đập tràn lên để giữ thêm nước tại các hồ chứa; sử dụng bơm tận dụng hết mực nước ở các hồ cạn để tưới cho lúa và các loại cây trồng khác; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện máy móc, bơm lưu động, dầu dự trữ để nếu xảy ra hạn khốc liệt vào cuối tháng 3 hay đầu tháng 4 thì sẵn sàng ứng phó, cố gắng hạn chế thiệt hại cho người dân đến mức thấp nhất.

THANH NGA
 

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ