A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giám sát chặt chẽ thịt lợn, kiềm chế lạm phát

15:55 | 02/08/2022

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu nhiều giải pháp trong việc tổ chức sản xuất nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, giúp hoàn thành mục tiêu lạm phát dưới 4% Chính phủ đề ra.

Cả khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu đều tăng

Tại buổi gặp mặt báo chí ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ những điểm sáng của ngành nông nghiệp 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, ông nhấn mạnh đến giá trị xuất khẩu toàn ngành 7 tháng đạt 32,29 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; thặng dư 6,28 tỷ USD, tăng 198%.

Bên cạnh việc duy trì đà tăng trưởng, Thứ trưởng cũng vui mừng thông báo về cơ cấu thị trường. Ông cho biết, hàng năm lượng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Trung Quốc chiếm khoảng 23%. Tuy nhiên, con số này trong 7 tháng đầu 2022 chỉ còn 18%

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: . Ảnh: Bảo Thắng

"Cả khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đều tăng. Điều ấy chứng tỏ việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đi vào chiều sâu. Chất lượng nông sản tăng song hành cùng sản lượng, năng suất. Đời sống của người dân, kinh tế, xã hội đều được đảm bảo", Thứ trưởng nói.

Sức bật của ngành, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, được thể hiện rõ qua hình ảnh của khối chăn nuôi. Ông cho biết, sau 7 tháng, tổng đàn lợn cả nước tăng 4,8%, đàn gia cầm tăng 1,6%, đàn bò tăng 2,6%. Riêng đàn trâu, mọi năm giảm 2,4% nhưng năm nay chỉ giảm 1,1%. 

Với mức đóng góp vào GDP toàn ngành hơn 25%, lãnh đạo ngành nông nghiệp lạc quan về mục tiêu trong năm 2022 của khối chăn nuôi. Cụ thể: sản lượng thịt chắc chắn đạt 7 triệu tấn, trứng 18,4 tỷ quả, sữa 1,3 triệu tấn. Cùng với sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 43 triệu tấn, nguồn thực phẩm được đảm bảo; an ninh lương thực được giữ vững.

Một yếu tố nữa được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến xem là sức bật cho lĩnh vực chăn nuôi là vacxin Dịch tả lợn châu Phi. Bà con nông dân, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ "lá chắn an toàn sinh học" này, đồng thời giúp đẩy mạnh tốc độ tái đàn lợn trên phạm vi cả nước, phấn đấu tổng số lợn giết mổ cả năm vượt mức 51 triệu con của năm 2021.

"Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngành nông nghiệp là đảm bảo an ninh lương thực. Trên cơ sở thống kê 7 tháng đầu năm, chúng ta có thể khẳng định là không thiếu nguồn cung, từ giờ đến tết Nguyên đán. Ngoài việc là trụ đỡ của nền kinh tế, ổn định CPI trong nước, ngành nông nghiệp còn giữ trách nhiệm điều phối, để người sản xuất và tiêu dùng cùng hưởng lợi từ các chính sách điều hành", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu quan điểm.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp với Bộ NN-PTNT hơn nữa, trong việc giám sát, kiểm tra cũng như phản ánh kịp thời thực trạng, phát hiện những điểm nghẽn còn tồn tại của ngành nông nghiệp.

"Nông nghiệp luôn đầy ắp khó khăn, thách thức, đặc biệt là những tháng cuối năm. Dù vậy, ngành nông nghiệp rất vinh dự và tự hào khi đứng cạnh còn có đội ngũ truyền thông, báo chí, giúp tăng sức mạnh tổng thể cho toàn ngành. Những bài viết chân thực, sâu sắc của báo chí sẽ là cơ sở để Bộ NN-PTNT xây dựng, ban hành, điều chỉnh những kế hoạch sát thực tiễn", Thứ trưởng bày tỏ.

Giám sát chặt chẽ thịt lợn tại biên giới

Có nhiều thuận lợi, nhưng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý một số thách thức cho lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó có việc, giá thịt lợn tại Trung Quốc đột ngột tăng cao, lên đến vài chục phần trăm, từ hồi đầu tháng 7/2022. 

Ngay khi nhận thông tin, Bộ NN-PTNT đã cử đoàn công tác đến thị sát trực tiếp tại các tỉnh biên giới, đề phòng việc giết mổ trái phép rồi chở thịt lợn mảnh qua biên giới. Bộ cũng xác định rõ, giá thịt lợn tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao là do người chăn nuôi tích trữ và vỗ béo quá mức, kết hợp thông tin không chính thống từ một số phương tiện truyền thông khiến giá thịt lợn và nhu cầu thực sự bị thổi phồng.

Là quốc gia nuôi lợn lớn nhất thế giới, Trung Quốc có khả năng tự cung tự cấp cao về nguồn cung thịt lợn, với 95% đến từ các trang trại trong nước. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khả năng lạm phát do giá thịt lợn gây ra ở nước này rất thấp, đồng thời khuyến cáo người dân cẩn trọng, và lắng nghe thông tin điều hành chính thống từ các cơ quan quản lý.

Ngoài thịt lợn tại biên giới, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng quan tâm tới vấn đề thức ăn chăn nuôi. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, về việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, ngành nông nghiệp xác định cần có cái nhìn tổng quát, bao trùm, nhất là trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi tăng giá tới 30-40% so với cuối năm 2021.

Theo Thứ trưởng, do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, năng suất ngô của Việt Nam khá thấp so với mặt bằng chung của những nước như Mỹ, Brazil. Ngược lại, nước ta có lợi thế về lúa, hoa màu. Do đó, ông gợi mở hai phương án. Thứ nhất, chuyển diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng các loại cây cho thức ăn chăn nuôi như sắn, ngô, phục vụ chăn nuôi khép kín tại địa bàn, trong đó tập trung phát triển ngô sinh khối.

Thứ hai, nâng cao hơn nữa chất lượng, giá trị của lúa, nhất là lúa đặc sản và hoa màu. Từ việc thu ngoại tệ xuất khẩu các loại mặt hàng này, ngành nông nghiệp sẽ có những điều chỉnh để có chính sách thỏa đáng trong việc nhập khẩu ngô và thức ăn chăn nuôi.

Giá thịt lợn diễn biến bất thường, ảnh hưởng tới rổ hàng hóa CPI, dẫn đến nguy cơ tăng lạm phát

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, các sản phẩm của ngành nông nghiệp nước nhà đủ điều kiện và tiêu chuẩn xuất khẩu đi nhiều nước. Nhờ hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nông sản Việt gia tăng thị phần nhờ dỡ bỏ được nhiều hàng rào thuế quan. Đổi lại, chúng ta bị sẽ gặp thách thức từ hàng rào kỹ thuật, biến đổi khí hậu và đà tăng của nhiều nguyên liệu đầu vào.

Đề nghị các đơn vị đánh giá đúng thực trạng và bức tranh toàn cảnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận: "Chúng ta đang chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Vì thế, người dân, HTX, doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng cần tự tái cơ cấu dựa trên tín hiệu thị trường, đồng thời đẩy nhanh, đẩy mạnh sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị để thâm nhập sâu, rộng hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, Trung Quốc đã tạo điều kiện và cấp phép cho một số sản phẩm như chanh leo, sầu riêng được xuất khẩu sang thị trường này. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh quá trình đàm phán, nhằm đưa thêm sản phẩm tổ yến sang quốc gia tỷ dân.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp đánh giá, nước ta có nhiều yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất mặt hàng này như nguồn cung dồi dào, hệ thống cơ sở chế biến trải rộng, tiêu chuẩn kỹ thuật được tổ chức ở mức độ cao.

"Bộ NN-PTNT đã làm việc nhiều lần với Trung Quốc. Kết quả hiện khá tốt. Chúng tôi cam kết nỗ lực hết sức để xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang nước bạn", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý, điều hành giá

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg gửi Ban Chỉ đạo điều hành giá; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Với Bộ NN-PTNT, Thủ tướng chỉ đạo phối hợp Bộ Công thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trước mắt và lâu dài.

Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ Công thương cần làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán lương thực, thực phẩm; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ