A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phòng tránh tai nạn đuối nước: Cần sự chung tay của cộng đồng

09:16 | 26/07/2015

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của hàng chục trẻ em.

Thực tế này đã rung lên hồi chuông cảnh báo trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em cho cả gia đình và cộng đồng xã hội.

Những sự việc đau lòng

Đầu tháng 7-2015, người dân xã Ea Tam (huyện Krông Năng) đã bàng hoàng, xót xa khi biết tin 3 chị em trong cùng một gia đình ở thôn Tam An bị tử vong do tai nạn đuối nước. Sự việc đau lòng đó xảy ra vào ngày 1-7, vợ chồng anh Nông Văn Công (31 tuổi) và chị Ngô Thị Trầm (27 tuổi) đi làm rẫy, để 3 con gồm Nông Thị Tường Vy (SN 2010), Nông Thị Thanh Trúc (SN 2009) và Nông Thị Kim Anh (SN 2007) ở nhà tự chơi với nhau. Đến trưa khi đi làm về, không thấy các con đâu, anh Công đi tìm, đến 15 giờ chiều cùng ngày phát hiện dép của các cháu để ở gần bờ ao nên hô hoán mọi người lặn xuống tìm kiếm và phát hiện xác của 3 cháu. Gia đình anh Công là hộ nghèo của thôn và đang phụng dưỡng mẹ già yếu. Đây là nỗi đau và sự mất mát quá lớn đối với gia đình anh. Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, cho biết: “Xã Ea Tam có nhiều ao, hồ phục vụ tưới tiêu, thường nằm trong các rẫy cà phê. Mặc dù hằng năm địa phương đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ nhưng do thiếu các biển cảnh báo nguy hiểm và sự chủ quan, lơ là của người lớn đã gây nên sự việc đau lòng trên”. 

Trẻ em bơi tắm tại Công viên nước Đắk Lắk  trong dịp hè.

Trẻ em bơi tắm tại Công viên nước Đắk Lắk trong dịp hè.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2013, toàn tỉnh có 46 trường hợp tử vong do đuối nước, năm 2014 tăng lên 63 trường hợp và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015, có 22 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước, tăng 2 trường hợp so với cùng kỳ. Số trẻ em bị tai nạn đuối nước chủ yếu trong độ tuổi từ 5 đến 16 tuổi, trong đó, 30% đuối nước do đi chơi các thác nước, 65% do bơi ở các ao, hồ tưới tiêu, đập nước, còn lại do các nguyên nhân khác. Qua những con số trên cho thấy, tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng tăng và rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành nhằm có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.  Không chỉ ở huyện Krông Năng mà tai nạn đuối nước đã xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Chẳng hạn như vào ngày 22-3-2015, ở buôn Jung A (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước khiến 2 trẻ em là H’Nin Niê (SN 2005) và H’Li Hà Êban (SN 2006) tử vong. Trưa hôm đó, H’Li tổ chức sinh nhật có mời H’Nin là bạn ở gần nhà sang dự. Sau buổi tiệc, H’Li xin phép bà ngoại cho đi chơi cùng H’Nin nhưng mãi đến chiều tối không thấy cháu về, gia đình đã chia nhau đi tìm. Khi đến khu vực bờ ao trong buôn, phát hiện thấy chiếc xe đạp của cháu ở gần đó nên đã nhờ mọi người tìm vớt dưới ao, đến 20 giờ tối cùng ngày thì thấy xác của 2 cháu. H’Nin và H’Li đều là con của 2 hộ nghèo trong buôn, bố mẹ thường xuyên đi làm ăn xa, các cháu ở cùng bà ngoại.

Cần biện pháp ngăn chặn hiệu quả

Bà Từ Thị Khanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐTBXH) cho hay: Đa số các trường hợp trẻ em bị tai nạn đuối nước đều xảy ra khi không có người lớn bên cạnh. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh lại có nhiều ao, hồ, sông, suối, thác nước nằm rải rác ở các địa phương nhưng phần lớn đều không có hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm. Hơn nữa, nhiều gia đình nông thôn sử dụng nước giếng đào hoặc bể, lu, vại chứa nước nhưng thường không có nắp đậy hoặc nắp đậy không an toàn, trở thành nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn đuối nước cho nhiều trẻ em. Bên cạnh đó, việc thiếu sân chơi an toàn cho trẻ em trong dịp hè và thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người  lớn cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, thời gian quan, các cấp, ngành chức năng, trong đó giữ vai trò chủ đạo là ngành LĐTBXH đã triển khai nhiều giải pháp. Trước tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức dạy bơi cho trẻ em; tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý các tình huống nguy hiểm khi gặp tai nạn đuối nước cho cộng tác viên và trẻ em nòng cốt ở cơ sở; xây dựng và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em” ở 37 xã trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng, quản lý công trình đập nước thực hiện nghiêm quy định cam kết xây dựng biển báo, biển cấm nguy hiểm, hàng rào ngăn cách để bảo vệ.

Tuy nhiên, theo bà Từ Thị Khanh, biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ chính là việc trang bị kiến thức, kỹ năng bơi lội. Nhưng trên thực tế, công tác này đang gặp nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, kinh phí và nhận thức của các bậc phụ huynh. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành nhất là sự quan tâm của Nhà nước trong xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí dạy bơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm, đầu tư nguồn lực xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, xây dựng các khu vui chơi, giải trí và tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, bổ ích thu hút trẻ tham gia.

Nguyễn Xuân

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ