A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đánh giá lại hiệu quả trồng cao su

05:51 | 09/06/2013

Sau 5 năm thực hiện việc chuyển đổi rừng trồng cao su ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp (DN) chưa mang lại hiệu quả kinh tế bao nhiêu nhưng đã để lại nhiều hệ lụy cho địa phương trong vùng dự án.

Vì thế, đã đến lúc các tỉnh Tây Nguyên cần phải rà soát quy hoạch trồng cao su và đánh giá lại hiệu quả của chủ trương này để tìm ra con đường phát triển bền vững.

  • Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT:
  • Về quy hoạch trồng cao su, nhiều tỉnh trong khu vực chưa chú ý khai thác các loại quỹ đất không có rừng, đất nông nghiệp và loại đất khác kém hiệu quả để trồng cao su, mà chủ yếu chuyển từ đất lâm nghiệp có rừng (chiếm 79%). Trong khi đó, một số DN được giao đất lâm nghiệp trồng cao su không thực hiện đầy đủ công tác đền bù đã gây ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Một số dự án mới chỉ ở giai đoạn khảo sát nhưng các DN đã vội vàng cho người khai hoang, chặt phá rừng. Có nhiều DN chỉ lập dự án với mục đích chiếm đất chứ không có năng lực tài chính, không thực hiện dự án đúng tiến độ, lập dự án không đúng quy hoạch… Để xảy ra những hệ lụy nói trên là một số tỉnh cho phép DN tư nhân thực hiện việc khảo sát, xây dựng nhiều dự án trồng cao su trên cùng một địa bàn, cùng một thời điểm (như huyện Chư Sê, Chư Pưh - Gia Lai có từ 4 - 7 dự án ở một xã). Trong khi đó, các tỉnh chưa có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các DN sử dụng đất hoa màu, đất cây công nghiệp kém hiệu quả, đất trống để trồng cao su. Một số địa phương không sàng lọc kỹ các chủ đầu tư vì thế có những DN không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật vẫn được khảo sát, xây dựng dự án để trồng cao su.
  • Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT):

Việc mất rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của Tây Nguyên. Khi rừng bị mất, kéo theo việc mất nguồn nước, suy thoái đất đai, giảm sự đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Việc chuyển đổi rừng phòng hộ như sang trồng cao su chỉ đem lại lợi ích phát triển kinh tế trước mắt, chúng ta chưa tính đến hậu quả lâu dài tới môi trường. Rừng cao su chỉ phù hợp với vùng khác chứ không phù hợp với Tây Nguyên vì rừng cao su không có khả năng giữ nước. Vì thế, cần đánh giá lại hiệu quả việc chuyển đổi rừng trồng cao su ở Tây Nguyên.

Trong cuộc họp về công tác bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên vào ngày 14-3-2013 tại TP Buôn Ma Thuột, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các địa phương và bộ ngành liên quan xem lại quy hoạch phát triển cao su của Tây Nguyên. Trước đó, tháng 9-2011, Chính phủ cũng đã có chỉ thị tạm dừng chủ trương này, tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều địa phương vẫn âm thầm cho các DN chuyển đổi rừng trồng cao su. Vì vậy, dù muốn tiếp tục hay dừng lại việc chuyển đổi rừng trồng cao su, Tây Nguyên cũng cần phải đánh giá lại tính hiệu quả và những “được, mất” của chủ trương này để tìm ra hướng phát triển bền vững cho khu vực.

  • Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Gia Lai:

Việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su ở một mức độ nhất định là cần thiết. Tuy nhiên, việc cấp đất rừng cho DN tư nhân cần rất thận trọng, vì họ chỉ ưu tiên lợi nhuận mà chưa chú ý đúng mức đến việc đảm bảo đời sống cho bà con và an sinh xã hội. Thay thế những cánh rừng nghèo vì mục đích kinh tế, song đời sống của người dân địa phương, những người từng sống phụ thuộc vào rừng không được cải thiện, thì không nên đánh đổi làm gì. Vì thế, để đạt được mục tiêu đề ra, việc triển khai chuyển đổi đất rừng trồng cao su cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa.

  • Ông Lê Khả Liễm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum:

Các tỉnh Tây Nguyên đã giao quá nhiều dự án trồng cao su cho các DN tư nhân không có kinh nghiệm trồng cao su và để xảy ra nhiều hệ quả đáng tiếc. Bởi thế, cần phải rà soát các dự án trồng cao su và giao lại cho những đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Đắk Nông: Xử lý doanh nghiệp phá rừng trồng cao su

Vào năm 2006, Công ty CP Nông lâm nghiệp Khải Vi (trụ sở tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê hơn 2.700ha đất lâm nghiệp (trong đó có hơn 2.400ha đất rừng tự nhiên) tại các tiểu khu 1694, 1695 và 1696 của xã Quảng Sơn để đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp. Trong tổng số diện tích được thuê, công ty phải đầu tư quản lý bảo vệ rừng hơn 1.887ha, đầu tư cải tạo làm giàu rừng hơn 262ha và đầu tư cải tạo trồng rừng, trồng cây công nghiệp hơn 550ha.

Chưa được cấp phép cải tạo rừng, nhưng Công ty Khải Vi đã tự ý khai hoang hơn 94ha đất rừng trồng keo, cao su.

Nhưng sau đó, công ty đã tự ý khai hoang 94ha rừng tự nhiên (trong khu vực hơn 262ha rừng tự nhiên quy hoạch cải tạo làm giàu rừng) để trồng 18,3ha cao su vào năm 2008 và trồng 76,1ha keo lai vào năm 2012. Khi cao su và keo lai đã  xanh tốt, đến ngày 15-3-2013, ông Nguyễn Hoàng Thụy (Giám đốc công ty) mới làm tờ trình gửi Sở NN-PTNT Đắk Nông xin hướng dẫn làm thủ tục khai hoang hơn 262ha rừng tự nhiên nói trên để trồng rừng. Khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Đắk Nông đến khu vực xin khai hoang để làm hồ sơ cải tạo rừng, mới phát hiện công ty đã tự ý khai hoang hơn 94ha rừng tự nhiên trồng keo lai và trồng cao su từ lâu rồi.

Trước hành vi tự ý khai hoang hơn 94ha đất rừng trái phép của Công ty Khải Vi, UBND tỉnh Đắk Nông đã vào cuộc xử lý. Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn giao Sở NN-PTNT Đắk Nông đề xuất tỉnh có biện xử lý trách nhiệm theo pháp luật việc công ty này tự ý khai hoang đất rừng trái phép; xử lý trách nhiệm các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát đối với dự án này.

    Theo SGGP

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ