A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tai nạn đuối nước ở trẻ em báo động khẩn cấp

05:11 | 09/06/2013

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình hằng năm trong giai đoạn 2005-2010, cả nước vẫn còn khoảng 3.500 trẻ em chết vì đuối nước.

Ngày 26-4-2012, tại Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị ký cam kết về giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em giai đoạn 2011-2015. Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là hai cơ quan đại diện cho tỉnh Dak Lak được mời tham dự Hội nghị và ký vào bản cam kết này.

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình hằng năm trong giai đoạn 2005-2010, cả nước vẫn còn khoảng 3.500 trẻ em chết vì đuối nước. Trong những năm qua, mặc dù các cấp, ngành, địa phương và người dân đã ý thức được hiểm họa do tai nạn đuối nước gây ra, tuy nhiên trên thực tế, tình hình trẻ em bị tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh còn có chiều hướng gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Dak Lak vẫn nằm trong số các tỉnh, thành phố có số trẻ em bị tử vong do đuối nước cao nhất cả nước (thứ 6 của cả nước). Trước nỗi đau mất mát trên, đòi hỏi cần phải có sự cam kết và vào cuộc mạnh mẽ của không chỉ các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em mà đó còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Tai nạn  đuối nước ở trẻ em đang đến hồi báo động.  Ảnh:  Thế Hùng
Tai nạn đuối nước ở trẻ em đang đến hồi báo động.  Ảnh: Thế Hùng

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2008 đến 2010, trên địa bàn tỉnh đã có 13.368 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 166 em bị tử vong. Cụ thể, năm 2010 đã có 3.858 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, có 75 em bị tử vong, trong đó 52 em tử vong do tai nạn đuối nước (gần 69,3%). Năm 2011 có 1.009 lượt trẻ em và trẻ vị thành niên bị tai nạn thương tích khiến 76 em tử vong, trong đó số tử vong do đuối nước là 63 em, tăng 11 em so với năm 2010 (chiếm 82,8%). Đặc biệt, trong số các trường hợp tử vong phần lớn đều do nguyên nhân đuối nước. Qua thống kê cho thấy, có đến 30% trường hợp chết đuối do đi chơi thác nước, 65% chết ở các hồ tưới tiêu và đập nước, 5% chết vì ngã xuống giếng... Như vậy có thể thấy rằng, đuối nước là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em bị tai nạn thương tích. Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh cũng như các cấp chính quyền trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ em tránh khỏi những tai nạn thương tích, nhất là trong những ngày hè.

Có thể không khó khi đưa ra những ví dụ về các trường hợp trẻ em bị chết do tai nạn đuối nước, nhưng điển hình nhất là vụ việc đau lòng đã xảy ra vào ngày 6-11-2011, 4 em học sinh Đỗ Thị Mỹ Huyền, Mai Thị Thanh Trang, Dương Thị Hải Yến và Hà Thị Thùy Trang, cùng là học sinh lớp 9A2, Trường THCS Cư Kuin (huyện Cư Kuin), sau khi đi học về đã chèo một chiếc thuyền bằng tôn ra hồ chơi, không may chiếc thuyền bị chìm, cả bốn em đều không biết bơi nên đã bị chết đuối. Và mới đây, vào lúc khoảng 10 giờ 30 sáng 14-5-2013, có 4 học sinh của Trường THCS Hồ Tùng Mậu (huyện Buôn Đôn) chết đuối và 1 học sinh phải cấp cứu khi đi chơi tại mép hồ chứa nước của Thủy điện Sêrêpôk 4 ( các em bị tử vong  được xác định là em Lê Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Minh Hiền, Trần Thị Ngọc Ánh và Ngô Thế Hiệp) .

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước là do:

Thứ nhất, Dak Lak là tỉnh có hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước chiếm một tỷ lệ khá lớn và nằm rải rác đều khắp, một đặc điểm chung của các hồ, đập là đa số đều có độ sâu khá lớn và hình lòng chảo. Ngoài ra, số đập, giếng nước, hồ tưới tiêu của nông trường, các hộ gia đình trồng cà phê là tương đối lớn.. Trong khi đó, công tác cảnh báo cũng như bảo đảm an toàn cho trẻ em tại các khu vực có sông suối ao hồ… còn rất hạn chế. Hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm hầu như không được chú trọng hoặc nhiều nơi cũng chưa có biển báo. Mặt khác, nhiều hộ gia đình nông thôn sử dụng nước giếng đào hoặc bể chứa nước nhưng thường không có nắp đậy hoặc nắp đậy không an toàn…

Thứ hai, đa phần các em chưa biết bơi, chưa được học, phổ biến các kỹ năng về môn bơi trong nhà trường và các cơ sở dạy bơi khác do thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học bơi. Toàn tỉnh ngoại trừ TP. Buôn Ma Thuột và huyện Ea Kar đã có hồ bơi và ban đầu đáp ứng được việc dạy bơi thì hầu như các huyện trong tỉnh đều chưa có bể bơi. Chính điều này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em rủ nhau ra các khu vực sông suối ao hồ để tự tập bơi rồi dẫn tới nhiều vụ việc đau lòng

Thứ ba, việc thiếu đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên dạy bơi, thiếu đào tạo các kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân trong người dân, thiếu kiến thức bảo đảm an toàn cho trẻ em của các bậc phụ huynh ngay chính trong ngôi nhà mình đã ảnh hưởng không nhỏ tới tai nạn đuối nước ở trẻ em trong những ngày hè. Đội ngũ giáo viên có chuyên môn, có thể dạy bơi cho trẻ em ở cơ sở hầu như không có, ngay cả bản thân những cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở cũng hầu như không biết bơi. Bên cạnh đó, kinh phí triển khai chương trình dạy bơi còn rất hạn hẹp.

Đứng trước thực trạng trẻ em bị tai nạn thương tích ngày càng gia tăng, đặc biệt là tai nạn đuối nước, các sở ban ngành của tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm hạn chế những tai nạn trên. Tiêu biểu là kế hoạch “Phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2011 – 2015” giữa các sở ban ngành trong tỉnh. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, sinh hoạt ngoại khóa, phổ biến pháp luật, nói chuyện ở cộng đồng dân cư, rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giờ chào cờ…; đến nay toàn ngành đã chi gần 200 triệu đồng và cắm 250 biển báo nguy hiểm ở các hồ nước trên toàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, mở 4 lớp tập huấn cấp tỉnh và tuyên truyền phổ biến kiến thức  hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho 90.000 hội viên cơ sở. Tỉnh Đoàn thanh niên thì triển khai tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý tình hưống nguy hiểm khi gặp tai nạn đuối nước. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, và phối hợp với Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức lớp học bơi cho em học sinh trong dịp hè này…

Có nhiều phương pháp để giảm tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em và trẻ vị thành niên; trong đó, phương pháp tối ưu, mang lại hiệu quả cao nhất vẫn là đẩy mạnh công tác truyền thông tới trực tiếp các thôn, buôn, tổ dân phố. Tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp tới người dân về những hậu quả và phương pháp phòng tránh tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng. Qua đó, giúp thay đổi nhận thức của người dân, để chính người dân sẽ tìm ra phương pháp tốt nhất nhằm bảo vệ chính con em mình. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần tiến hành xây dựng các biển báo nguy hiểm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Triển khai rộng rãi mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ” tới mọi gia đình. Tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng sơ cấp cứu khi bị đuối nước và các tai nạn khác cũng như việc đầu tư xây dựng các địa điểm vui chơi lành mạnh dành cho trẻ em.

Những vụ tai nạn thương tâm cũng như những con số thống kê ở trên đã phần nào nói lên thực trạng đáng báo động về những tai họa đang đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của trẻ em. Điều này đòi hỏi các cấp, ban ngành nói riêng và xã hội nói chung cần phải có trách nhiệm hơn, bằng những hành động và việc làm thật cụ thể trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn.

    Theo Báo Đăk Lăk điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ