A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Tử huyệt” của ngành nông nghiệp là thị trường

05:09 | 13/06/2013

Chiều ngày 12/6, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát mở đầu cho phần chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Bộ trưởng tập trung vào các biện pháp hỗ trợ người nông dân gắn với giải quyết việc làm, tìm đầu ra cho nông sản; đề xuất cơ chế, chính sách.

Phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát diễn ra sau báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri ở kỳ họp trước; báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trình bày.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Nghị quyết 40 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII giao cho các Bộ trưởng: Công Thương, Xây dựng, Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước 22 nhóm nhiệm vụ. Trong 6 tháng qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo; các bộ và địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện. Nhiều việc đã đạt được kết quả tích cực như: giãn, hoãn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát cơ bản nhập khẩu gia cầm trái phép; rà soát tổng thể quy hoạch xây dựng; hoàn thiện quản lý chất lượng và chi phí các công trình xây dựng; giảm mặt bằng lãi suất; quản lý thị trường vàng; cơ cấu lại 9 ngân hàng thương mại yếu kém; quản lý giá thuốc; quản lý an toàn thực phẩm; khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh... Tuy nhiên, một số việc triển khai còn chậm, cần tiếp tục tập trung giải quyết trong thời gian tới như: Hỗ trợ các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; hỗ trợ di dân tái định cư; phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội; xử lý nợ xấu; quá tải bệnh viện.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, giải pháp quan trọng đột phá trong thời gian tới là triển khai chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn; phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) về việc sản lượng nông sản tăng nhưng giá thấp, gây ra tình trạng “được mùa rớt giá”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khó khăn của ngành chính là vấn đề thị trường. Lúa chín, trái cây chín, lợn gà rất nhiều, cá tra nhiều, nhưng giá xuống, nên thu nhập của người nông dân bị ảnh hưởng. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có chủ trương mua gạo tạm trữ, giữ giá cho nông dân Thực tế là giá lúa tại đồng bằng Sông Cửu long đã nhích lên. Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ vốn cho nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ xuất khẩu cho bà con. Đó là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần phải đầu tư vào nhiệm vụ căn cơ như đầu tư nghiên cứu, tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giúp bà con yên tâm sản xuất ổn định.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đặt vấn đề: Công lao của ngành nông nghiệp đối với việc kiềm chế lạm phát rất thấp. Doanh thu của nông dân suy giảm nhưng chí phí đầu vào tăng cao, Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp nông dân ổn định, thoát nghèo bền vững? Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, một mặt phải hỗ trợ nông dân trực tiếp, mặt khác phải đầu tư hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tăng cường chất lượng con giống, cải thiện cơ sở hạ tầng cho nông dân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đối với các giải pháp giải quyết khó khăn cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát còn “hiền” quá. Đối với ngành nông nghiệp, nông dân vô cùng khó khăn nhưng tiếng nói của ngành còn quá nhẹ. Mong Bộ trưởng mạnh mẽ hơn…

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Diệp (đoàn Yên Bái) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Cao Đức Phát  liên quan đến hai vấn đề  “nóng”: Giải pháp hỗ trợ cho ngành chăn nuôi đang gặp khó và làm thế nào ngăn chặn tình trạng lâm tặc phá rừng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Trước khó khăn của ngành chăn nuôi, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các giải pháp: chống dịch cúm gia cầm; dịch tai xanh và lở mồm long móng ở heo. Đến nay, cơ bản hai dịch nêu trên đã được khống chế. Thời gian tới, Bộ cùng với các địa phương sẽ rà soát những loại gia súc phù hợp với tiểu vùng; rà soát giống; thay đổi phương thức chế biến thức ăn để tăng hiệu quả chăn nuôi; chủ động sản xuất nguyên liệu trong nước để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi… Như vậy, sản phẩm của ngành Chăn nuôi mới có thể cạnh tranh trên thị truờng.

Bộ trưởng cũng thừa nhận hiện tượng lâm tặc phá rừng đang diễn ra ở nhiều nơi. Dù vậy, tình trạng này đã giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT đã xây dựng trinhg Chính phủ Đề án tăng cường năng lực phòng chống cháy rừng và năng lực kiểm lâm.Về lâu dài, cần phối hợp với địa phương giao đất, khoán rừng, triển khai chủ trương thu phí môi trường rừng...

    Theo Báo Công thương

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ