A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Gắn với thương hiệu quốc gia

11:46 | 13/06/2013

Ngày 12/6/2013, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại- Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh- Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia- tham dự diễn đàn.

Với chủ đề “Xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vì mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia”, diễn đàn nhằm trao đổi chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn giữa các nhà làm chính sách, chuyên gia thương hiệu, kinh tế và chính quyền địa phương để làm rõ những vấn đề khái niệm và thực tiễn xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền; giới thiệu kinh nghiệm của các địa phương về gắn tiếp thị vùng miền với xây dựng thương hiệu quốc gia.

Tại diễn đàn, các diễn giả đã trao đổi về chủ đề phát triển thương hiệu biển Việt Nam với vai trò là công cụ xây dựng hình ảnh quốc gia và tiếp thị cho các ngành kinh tế biển; thảo luận chuyên sâu giữa các lãnh đạo địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, DN về hai chủ đề “Tiếp thị vùng miền với xây dựng thương hiệu quốc gia” và “Thương hiệu biển Việt Nam.”

Ông Đỗ Thắng Hải- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Tổng Thư ký Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam- nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu vùng miền được nhận thức là một phần trong chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Phát triển thương hiệu vùng miền sẽ giúp cho các địa phương, DN phát triển kinh tế, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm. Việc kết nối với các địa phương lân cận cũng tạo nên sức mạnh của một vùng và giúp thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển thương mại hàng hóa, du lịch...

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh:

Thương hiệu quốc gia mạnh sẽ giúp các DN phát triển thị trường, sản phẩm, dịch vụ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các DN phải gắn việc sản xuất - kinh doanh với xây dựng, phát triển thương hiệu biển, thương hiệu vùng miền với những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất, đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế.

Trên thực tế, vấn đề xây dựng thương hiệu vùng miền ở nước ta còn khá mới mẻ, việc tiếp cận thương hiệu vùng miền chưa rõ ràng. Thương hiệu vùng miền mới chỉ được đề cập đến ở khía cạnh xây dựng thương hiệu tập thể mang tên địa danh hoặc gắn với chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản… Theo PGS.TS Nguyễn Thị Tuyết Mai (Đại học Kinh tế quốc dân), khi nói đến thương hiệu vùng miền là người ta nhắc đến những liên tưởng mang tính hệ thống về con người, văn hóa, giáo dục, phát triển kinh tế, môi trường, dịch vụ…

Về định hướng phát triển biển Việt Nam, ông Hoàng Duy Đông- Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường)- cho biết, việc xây dựng và phát triển thương hiệu biển phải gắn với bảo vệ môi trường biển, gắn khai thác nguồn lợi với bảo vệ nguồn lợi lâu dài của biển, đảo. Phát triển thương hiệu biển phải dựa vào các sản phẩm, dịch vụ của biển, đảo đã có sẵn, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm biển có thế mạnh, đặc trưng trong một ngành hay một lĩnh vực của kinh tế biển… Ông Đông nhấn mạnh: “Để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo và phát triển thành công thương hiệu biển Việt Nam, nhà nước ta phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh”

    Theo Báo Công thương

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ