A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Khó nhận diện bạo lực gia đình

08:30 | 11/11/2015

Số vụ bạo lực gia đình trên cả nước đã giảm gần 50%, từ hơn 40.000 vụ năm 2012 còn hơn 21.000 vụ trong năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước xảy ra 13.204 vụ bạo lực gia đình

Trong 2 ngày 9 và 10-11, tại TP HCM, Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo “Định hướng truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ)”.

“Phần chìm” vẫn rất lớn

Theo ông Phạm Quốc Nhật, chuyên gia Vụ Gia đình, các số liệu ghi nhận đã phản ánh được xu hướng giảm tình trạng BLGĐ song song với việc gia tăng nhận thức và hành động của cộng đồng về phòng chống tệ nạn này. Tuy nhiên, các số liệu hiện có vẫn chưa thực sự phản ánh đúng tình trạng của vấn đề khi hầu hết các con số thống kê được chủ yếu là đã qua hòa giải và lập hồ sơ tại địa phương.

Bà Hà Quỳnh Anh, điều phối viên UNFPA tại Việt Nam, trình bày báo cáo về bạo lực gia đình

Bà Hà Quỳnh Anh, điều phối viên UNFPA tại Việt Nam, trình bày báo cáo về bạo lực gia đình

Theo ông Nhật, sự khác biệt giữa các tiêu chí thống kê, quy định của các văn bản luật cũng như cách hiểu của quần chúng về BLGĐ khiến việc thống kê và đánh giá mức độ BLGĐ vẫn chưa thật sự sát với thực tế ở Việt Nam. Nói cách khác, phần chìm của thực trạng hay các trường hợp nằm ngoài thống kê vẫn còn rất lớn.

Các hình thức BLGĐ phổ biến nhất vẫn là về thể chất, tinh thần, tiếp sau đó là kinh tế. Nam giới là đối tượng gây ra BLGĐ nhiều nhất với 11.000/13.204 vụ ghi nhận năm 2015. Tuy nhiên, đáng chú ý, vẫn có khoảng gần 1.600 trường hợp nạn nhân của BLGĐ là nam giới.

Điều tra, khảo sát của Vụ Gia đình ghi nhận khoảng 1/3 gia đình xảy ra BLGĐ không biết phải làm gì và khoảng 25% gia đình cho rằng BLGĐ là việc riêng của hàng xóm, không nên can dự vì sợ phiền hà. Theo bà Hà Quỳnh Anh, điều phối viên Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, một trong những lý do quan trọng khiến nhiều trường hợp BLGĐ không được ghi nhận và xử lý là vấn đề bất bình đẳng giới khi phần nhiều nạn nhân là phụ nữ, lệ thuộc kinh tế vào nam giới. Vì thế, khi bị bạo hành, họ không thể tự thoát ra được do không biết đi đâu và làm gì để kiếm sống. Trong khi đó, ở tình huống ngược lại, do định kiến xã hội quy định nam giới là trụ cột gia đình nên nhiều trường hợp người chồng là nạn nhân của BLGĐ từ vợ nhưng ngại nói ra vì mắc cỡ…

Gây thiệt hại kinh tế

Trong thực tế, bên cạnh các hình thức bạo lực thể chất dễ ghi nhận, BLGĐ còn diễn ra trên nhiều phương diện về tinh thần, kinh tế, tình dục với nhiều hành vi mà phần lớn là khó nhận diện hoặc không được xã hội nhận thức đầy đủ như là một hành vi BLGĐ.

Nhiều hành vi tưởng chừng đơn giản, như việc vợ hoặc chồng sử dụng một phần khoản thu nhập hay tiết kiệm mà không được người kia đồng ý hoặc bị cản trở, tra hỏi, lục vấn mỗi khi đi ra ngoài cũng là hình thức vi phạm luật về BLGĐ nhưng hầu như không được nhận thức đúng đắn.

Theo ước tính, BLGĐ đang là nguyên nhân của khoảng 80% số vụ ly hôn cũng như gây thiệt hại kinh tế khoảng 1,41% GDP mỗi năm. Người bị BLGĐ hầu như tổn hại sức khỏe khiến khả năng lao động suy giảm, căng thẳng, rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, hậu quả nghiêm trọng lâu dài là việc BLGĐ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và hình thành xu hướng sử dụng bạo lực trong các thế hệ kế tiếp trong gia đình.

Việc xử lý BLGĐ hiện tại chủ yếu vẫn tiến hành bằng hình thức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư và các biện pháp giáo dục. Sáu tháng đầu năm 2015, chỉ có 81 vụ BLGĐ bị xử lý hình sự, trong khi việc xử phạt vi phạm hành chính vẫn chưa thực sự hiệu quả. “Việc phạt tiền với các trường hợp này cũng đồng thời gây thiệt hại cho quỹ chung của gia đình. Thành ra, đôi khi giống như vừa bị đánh vừa mất tiền nên phần nhiều nạn nhân không khai báo” - ông Phạm Quốc Nhật nêu thực trạng.

Đừng biến bất thường thành bình thường

Nhận định vai trò của truyền thông trong việc phòng chống BLGĐ, ông Phạm Quốc Nhật cho rằng cần có sự cân bằng khi thông tin. Việc đưa quá nhiều thông tin liên quan đến BLGĐ có thể tạo tác dụng ngược, biến một việc bất thường thành bình thường trong nhận thức của người dân. Trong khi đó, nhiều vấn đề thiết yếu khác như kỹ năng ứng phó, giải quyết tình huống BLGĐ, đường dây nóng, địa chỉ tin cậy để tư vấn hỗ trợ nạn nhân… hiện vẫn chưa được thông tin đầy đủ, đúng mức.

 

Bài và ảnh: Bạch Đằng

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Chia sẻ lợi ích nhiều nhất cho người trồng cà phê

      Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã khép lại sau 5 ngày diễn ra sôi động với nhiều chuỗi sự kiện được tổ chức, giới thiệu và quảng bá rộng rãi, sâu đậm đến với người dân địa phương...

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ