A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Bài toán tăng lương

08:02 | 12/11/2015

Sáng 11-11, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách năm 2016, trong đó có việc tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-5-2016.

Phải thấy rằng trong tình trạng ngân sách eo hẹp thì đây là một quyết tâm, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ song tin vui này cũng gợi lên một vài suy nghĩ.

Bộ máy hành chính cồng kềnh, trùng lắp, chồng chéo lại ngày càng phình to. Nhiều năm qua hô hào tinh giản biên chế nhưng hầu như không mấy chuyển biến trong khi hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kém. Bộ máy nhà nước phình to như vậy thì không ngân sách nhà nước nào chịu nổi, nghĩ chi đến việc tăng lương.

Tại phiên thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tuần trước, một số đại biểu Quốc hội đề nghị việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy nhà nước. Có ý kiến đề nghị tuyển chọn công chức phải minh bạch, có tính cạnh tranh thông qua đánh giá sản phẩm công vụ, cống hiến của họ mà xã hội nhìn thấy được. Đừng chọn người nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở tìm cách lên lãnh đạo. Thế là đã rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ quyết tâm làm trong sạch bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Một vấn đề cũng được quan tâm mổ xẻ nhiều là tệ nạn lãng phí trong các khoản chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương; tốn kém kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; nghiên cứu, khảo sát nước ngoài mà thực chất du ngoạn là chính; mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; sử dụng xe công vô tội vạ do thói quen “xài của chùa”...

Theo thực tế, nếu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng có hiệu quả thì sẽ giảm thiểu các khoản thất thoát không đáng có, góp phần giải quyết bài toán tăng lương; đó là chưa kể những thất thoát do điều hành yếu kém, đầu tư dàn trải, thiếu tầm nhìn. Còn đối với bộ phận cán bộ, công chức nhà nước, không có cách nào khác là phải tinh giản, nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện chế độ hợp đồng có điều kiện, có vào có ra, thi tuyển cạnh tranh, sao cho bộ phận này là tinh hoa của xã hội, chịu trách nhiệm điều hành xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Kinh tế phát triển thì nguồn thu của nhà nước tăng, khi đấy mới có điều kiện tăng lương cho cán bộ, công chức để họ có cuộc sống thanh cao bằng đồng lương xứng đáng với công sức.

Vì thế, nên đặt vấn đề tiền lương của cán bộ, công chức trong tổng thể vấn đề nhân lực (kể cả đào tạo, sử dụng và đãi ngộ) với nhận thức sâu sắc rằng nhân lực có trình độ, chất lượng cao là yếu tố quyết định thành công trong cuộc phát triển kinh tế, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Do đó, cần có chiến lược toàn diện, đồng bộ, đúng đắn về nhân lực trong thời kỳ mới, giải quyết “nút thắt” về nhân lực đang cản trở công cuộc phát triển đất nước.

Diệp Văn Sơn

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ