A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bộ trưởng LĐ-TB-XH trả lời chất vấn về lộ trình tăng lương

04:52 | 14/06/2013

Chiều 13/6, Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn quốc hội về một số vấn đề như lộ trình tăng lương, đào tạo nghề...

Tăng lương tối thiếu: người lao động và doanh nghiệp cùng chia sẻ

Trong phiên chất vấn chiều nay, Đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2013, cầu lao động tăng 0,9% nhưng Bộ LĐ-TB-XH lại xin giãn lộ trình điều chỉnh tiền lương.

Do đó vị đại biểu này đề nghị Bộ trưởng lý giải về việc đề xuất này có có tính đến quy luật cung cầu và niềm mong chờ của người lao động hay không.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trần Thanh Hải, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Theo quy định của Chính phủ, lương cho khối hành chính sự nghiệp thì do Bộ Nội vụ trực tiếp xây dựng triển khai; lương cho khối Doanh nghiệp thì do Bộ LĐ-TB-XH thực hiện. 

Năm 2012, khi Bộ xây dựng tiền lương tối thiểu vùng, mức cao nhất là trên 2 triệu đồng thì có 2 luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng tăng như vậy mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Còn ý kiến thứ 2 lại cho rằng tăng như vậy là không biết chia sẻ với doanh nghiệp bởi trong lúc doanh nghiệp khó khăn lại tăng lương, làm cho doanh nghiệp càng khó khăn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, với vị trí của cơ quan chính sách bà thấy rất cần lộ trình và quy định 4 vùng để tăng lương, vì nó phù hợp trong bối cảnh khó khăn. Doanh nghiệp và người lao động cùng chia sẻ khó khăn. Theo bà Chuyền, mức tăng lương như đã thực hiện là tính đến cả hai yếu tố quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đào tạo nghề: chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp

Bên cạnh lộ trình tăng lương, vấn đề đào tạo nghề và việc làm cũng được nhiều vị đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn ở Trà Vinh cho rằng đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghề được Đảng và nhà nước ta rất quan tâm. Tuy nhiên, các nguồn lực đào tạo nghề chưa phát huy hiệu quả. Tại nhiều cơ sở xuất hiện tình trạng "thừa thầy, thiếu trò". Bên cạnh đó, học viên học nghề xong có tay nghề yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng LĐ-TB-XH đồng ý rằng hiện nay việc đầu tư đào tạo nghề ở nhiều nơi chưa diễn ra đồng bộ, một số trường chưa được trang bị đầy đủ giáo viên và cơ sở vật chất. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng số học sinh học nghề chưa nhiều, vì phần đông tâm lý của phụ huynh và học sinh muốn học các trình độ cao hơn như Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, nội dung đào tạo và cơ sở vật chất của nhiều đơn vị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Các nghề mà doanh nghiệp mới đầu tư vào Việt Nam chưa thể đào tạo được ngay, vì vậy nhiều doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng lao động phổ thông để tự đào tạo.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng cho biết tới đây Bộ sẽ chỉ đạo các trường nghề không phải dạy theo những gì mình có mà phải gắn với thị trường lao động, nhu cầu của doanh nghiệp. Các trường phải hình thành đội ngũ tư vấn tiếp thị tìm hiểu các doanh nghiệp địa phương cần gì thì đào tạo ngành nghề phù hợp.

    Theo NDHMoney

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ