A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nương rẫy tan tành vì lò than

10:35 | 09/01/2016

Các lò than khiến hàng chục hecta cà phê bị ảnh hưởng, chính quyền địa phương vẫn chưa kiên quyết xử lý

Tháng 8-2013, sau khi xây dựng, 4 lò đốt than ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã gây cháy rụi 40 cây cà phê đang thời kỳ thu hoạch của gia đình chị Vũ Thị Nên (ngụ thôn 1, xã Ea Tiêu).

Nhận tin báo, chính quyền xã Ea Tiêu đến lập biên bản hiện trường, ghi nhận sự việc và đứng ra hòa giải. Gia đình chị Nên đồng ý nhận số tiền đền bù 3 triệu đồng với điều kiện chủ lò than phải khắc phục hệ thống ống khói để không ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên, chủ lò chưa đền bù thì đến năm 2014, vườn chị Nên và vườn bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ xã Cư Kuin) tiếp tục bị khói lửa của các lò than thiêu cháy nhiều diện tích cà phê.

Vườn cà phê của gia đình chị Vũ Thị Nên phải chặt bỏ vì cây không phát triển

Mặc người dân liên tục phản ánh, cuối năm 2014, các chủ lò tiếp tục xây dựng thêm 14 lò khác khiến diện tích cây trồng của ít nhất 28 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Trước khi có lò than, 6 sào cà phê của gia đình cho năng suất trung bình 2 tấn cà phê nhân/năm. Từ năm 2013 đến nay, phần bị lửa thiêu rụi, phần bụi khói bám vào không thể đậu quả nên năng suất chỉ khoảng 5 tạ/năm, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Mới đây, gia đình phải chặt bỏ toàn bộ vì cà phê không phát triển được” - chị Nên nói.

Tương tự, ông Trần Văn Thi (ngụ xã Ea Tiêu) lo lắng vì toàn bộ nguồn sống của gia đình dựa vào gần 1 ha cà phê nhưng 2 năm qua rất ít trái. “Mới đây, gia đình phải chặt bỏ hơn 1/2 diện tích và bỏ hoang vì không cây gì sống nổi với khói bụi. Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, khói bụi dày đặc nên mỗi lúc đi làm là không tài nào thở được” - ông Thi bức xúc.

Ông Trần Xuân Trường, cán bộ địa chính xã Ea Tiêu, cho biết 16 lò đốt than do ông Trần Phi Dũng làm chủ đại diện. Lúc đầu, chủ lò chỉ làm nhỏ lẻ nhưng sau đó mở rộng thêm quy mô nên xã hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết như giấy phép kinh doanh và cam kết bảo vệ môi trường. Ngày 6-4-2015, UBND huyện Cư Kuin ký xác nhận cam kết bảo vệ môi trường cho ông Dũng. Qua kiểm tra cho thấy các lò than này không thực hiện đúng đề án bảo vệ môi trường như không có hệ thống phun sương, ống khói hoạt động không hiệu quả… nên phạt hành chính 4 triệu đồng.

Trước tình hình này, ngày 12-11-2015, UBND huyện Cư Kuin quyết định chấm dứt hoạt động của 6 lò đốt than vì vi phạm khoảng cách đến rẫy cà phê của dân nhưng vẫn đồng ý cho ông Dũng duy trì hoạt động 10 lò còn lại. “Trong số 6 lò bị đình chỉ thì hiện có 3 lò vẫn hoạt động nhưng chủ lò luôn vắng mặt nên rất khó xử lý” - ông Trường phân trần.

 

Khó xử lý vì đã đầu tư nhiều tiền!

Theo ông Văn Tiến Sĩ, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư Kuin, lý do huyện đồng ý thông qua đề án bảo vệ môi trường là vì lúc đó huyện chưa nhận được ý kiến hay đơn thư phản ánh của người dân. Còn theo ông Lê Phú Hanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin, khó xử lý vì họ đã đầu tư nhiều tiền vào xây dựng lò, giờ phá bỏ thì thiệt hại cho họ. Bên cạnh đó, phải xác định được nguyên nhân có phải là các lò đốt than gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng hay do xích mích giữa các hộ với chủ lò than rồi khiếu nại, khiếu kiện (!?).

 

Bài và ảnh: Cao Nguyên

 

    nguồn.nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ