A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tây Nguyên: Tỷ lệ mắc SXH cao gấp hàng chục lần bình quân cả nước

14:27 | 08/08/2016

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH) tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 7/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát một số địa điểm có ổ dịch trên địa bàn TP Ban Mê Thuột (Đăk Lăk).

 

Phó Thủ tướng cho rằng công tác tuyên truyền cơ sở là rất quan trọng để ứng phó với bệnh dịch SXH. Ảnh: VGP/Đình Nam

SXH là loại bệnh đang không có vacxin, cứ có nước tù đọng là sẽ có lăng quăng. Không còn cách nào khác là phải tập trung vào tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động ứng phó. Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng, cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân trong phòng, chống SXH.

Mặc dù tất cả các tổ dân phố ở Ban Mê Thuột đều đã thành lập tổ truyền thông, song Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý cách thức tuyên truyền cần phải mạnh mẽ hơn nữa.

Các tuyên truyền viên không chỉ đơn thuần hướng dẫn cách phòng, chống bệnh SXH, biểu hiện của bệnh, triệt các nguồn nhiễm từ nước tù đọng mà cần đi thẳng vào vấn đề như mức độ nguy hiểm có thể gây chết người của dịch bệnh này, sự tốn kém về tiền bạc, thời gian khi phải đi điều trị ở bệnh viện… Từ đó giúp người dân hiểu rất cụ thể, rõ ràng về bệnh SXH và thay đổi hành vi sinh hoạt hằng ngày.

Tại buôn Jù (xã Êatu), ông Imui Adrơng, Trưởng thôn Jù, cho biết mùa mưa năm nay buôn có hàng chục hộ dân có người mắc SXH, đây là hiện tượng bất thường so với mọi năm. Người dân đã phun thuốc, đổ dầu mỡ để diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) nhưng không hiệu quả.

Chỉ đạo trực tiếp tại đây, Phó Thủ tướng lưu ý ngành y tế phải hướng dẫn cụ thể về cách điều trị, bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh; các địa phương có phương án bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 30/7, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp mắc SXH tại 48 tỉnh, thành phố, 17 trường hợp tử vong. Trong đó miền Nam là 28.407 trường hợp (chiếm 57,9%); miền Trung 12.673 trường hợp (chiếm 25,8%); khu vực Tây Nguyên là 7.411 trường hợp (chiếm 15,1%).

Ngày 8/8, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị tập huấn trọng điểm để trang bị thêm kiến thức phòng, chống dịch SXH cho cán bộ y tế 4 tỉnh Tây Nguyên là Đăk Lăk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum.

Hiện tỷ lệ người dân mắc bệnh SXH tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên cao gấp vài lần đến hàng chục lần so với mức trung bình của cả nước là 48,2/10 vạn dân. Điển hình, huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) có tỷ lệ mắc lên tới 1.282/10 vạn dân; huyện Eahleo (tỉnh Đăk Lăk) là 696; thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) là 808... Tính chung toàn vùng Tây Nguyên, tỷ lệ người mắc SXH là 168,1/10 vạn dân.

 

PV

 
 

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ