A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tây Nguyên: Rừng “hạ nhiệt”, thủy điện vẫn “nóng”

09:46 | 23/07/2013

Ngày 22-7, tại Đà Lạt, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đã chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Thủy điện Đồng Nai 3 tích nước gây ngập 10km quốc lộ 28 (đoạn nối Lâm Đồng với Đắk Nông).

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho biết, hiện trong khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận có 118 dự án thủy điện phát điện với tổng công suất 5.798 MW và 75 dự án đang thi công. Thời gian qua, Bộ Công thương và các tỉnh đã rà soát, loại bỏ 155 dự án thủy điện và 72 vị trí tiềm năng. Tuy vậy, việc quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện ở Tây Nguyên và các khu vực miền núi giáp Tây Nguyên vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc về môi trường và xã hội.

Đến nay, Tây Nguyên phải chuyển đổi 80.000ha đất các loại cho thủy điện và có gần 26.000 hộ dân bị ảnh hưởng do xây dựng các công trình thủy điện. Việc trồng rừng bù lại diện tích rừng bị mất do xây dựng thủy điện còn rất chậm, mới trồng được 757ha so với 22.770ha rừng đã chuyển đổi mục đích xây dựng thủy điện.

Việc quản lý chất lượng các công trình thủy điện vừa và nhỏ bị buông lỏng, để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng. Còn hàng trăm hộ dân trong các vùng dự án chưa được cấp đủ đất sản xuất, nhiều hạng mục giao thông và công trình phúc lợi chưa được bố trí vốn xây dựng, ảnh hưởng đến đời sống người dân như tại các dự án: Đồng Nai 2, Đam B’ri, Đồng Nai 3, Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4, An Khê Ka Năk, Đăk Dring.

Một vấn đề “nóng” khác tại Tây Nguyên là nạn phá rừng trái phép có phần “hạ nhiệt” với 858 vụ, diện tích rừng bị phá và lấn chiếm trái phép 541ha, giảm 32% so với cùng kỳ. Nhiều điểm “nóng” về phá rừng bị xóa bỏ, nhiều địa phương đã kiên quyết xử lý nạn phá rừng và các doanh nghiệp để mất rừng (như tỉnh Đắk Nông truy tố lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín vì để mất 1.200ha rừng). Tuy nhiên, gần đây, việc đưa người và phương tiện qua biên giới Campuchia khai thác, mua bán gỗ trái phép diễn ra khá phức tạp, có quy mô, tổ chức chặt chẽ và xảy ra trong thời gian dài nhưng chậm phát hiện, xử lý.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc về bảo vệ tài nguyên – môi trường, đất đai, việc làm, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát, tạo quỹ đất, đẩy nhanh việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Thực hiện nghiêm túc việc giám sát quy hoạch, đầu tư phát triển thủy điện, tập trung giải quyết nhanh những tồn đọng về xã hội và môi trường trong các vùng dự án. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý bảo vệ, tái tạo rừng, thúc đẩy nhanh việc xây dựng các cơ chế chính sách về rừng và lâm nghiệp.

* Cùng ngày, thông tin về những vết nứt trên đập tràn công trình thủy lợi hồ Tả Trạch phía thượng nguồn sông Hương gây xôn xao dư luận ở Thừa Thiên - Huế, nhất là khi mùa mưa bão năm 2013 cận kề.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão (PCLB) và quản lý đê điều tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, đến ngày 30-8, chủ đầu tư phải gia cố mái thượng lưu đập chính đạt cao trình +50m. Vấn đề này sẽ do đơn vị quản lý thi công trực tiếp xử lý vì công trình thủy lợi hồ Tả Trạch đang trong quá trình xây dựng. Trong khi đó, ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Trưởng ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn  tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, vết nứt không nguy hiểm đối với sự an toàn công trình thủy lợi hồ Tả Trạch. Địa phương đang phối hợp với đơn vị đầu tư quản lý thi công triển khai các biện pháp an toàn trong mùa mưa bão năm nay.

Công trình thủy lợi hồ Tả Trạch khởi công xây dựng ngày 26-11-2005, với tổng nguồn vốn gần 3.500 tỷ đồng (từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ). Hồ chứa nước Tả Trạch có diện tích lưu vực 717km², dung tích chứa trên 509 triệu m³. Ngoài việc phục vụ cho nhà máy thủy điện công suất 18.000kWh, cho lượng điện trung bình hàng năm 60 triệu kWh, công trình còn nhằm mục đích chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho hệ thống sông Hương cấp nước sinh hoạt và công nghiệp...

Tuy nhiên, như Báo SGGP đã thông tin, trong quá trình thi công đến năm 2009, đơn vị thi công phần đập tràn xả lũ hồ chứa công trình thủy lợi hồ Tả Trạch đã phát hiện sự biến đổi dị thường của địa tầng, bên phải đập tràn xả lũ xuất hiện nhiều viết nứt dị thường 20-30cm ăn sâu vào núi nên buộc phải tạm dừng thi công. Bộ NN-PTNT chỉ đạo, tràn xả lũ hồ Tả Trạch trước đây tiêu năng mặt nước nay chuyển sang tiêu năng đáy, đồng thời giao cho chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo, đơn vị tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra.

Cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã ban hành quyết định về việc thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng xây dựng các công trình thủy điện A Roàng và dự án thủy điện Tả Trạch. Đoàn kiểm tra liên ngành được phép xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền, kiến nghị cấp có thẩm quyền mức xử lý đối với đơn vị và doanh nghiệp cố tình vi phạm trong việc quản lý an toàn đập và chất lượng các công trình thủy điện. Báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra; có trách nhiệm xây dựng kế hoạch để thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên trong tháng 7-2013.

NAM VIÊN - VĂN THẮNG

    Nguồn: SGGP Online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ