A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Để Thông tư 39 sớm phát huy tác dụng: Công tác truyền thông là yếu tố cốt lõi

13:48 | 25/04/2017

Ngày 15-3, những quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (thay Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN) chính thức có hiệu lực thi hành.

Những thay đổi căn bản
 
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN (Quyết định 1627), chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự. Khác với quy định tại Quyết định 1627, trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự 2015 về chủ thể (chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân), Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định chủ thể vay vốn chỉ bao gồm cá nhân Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, pháp nhân thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và Thông tư 39 tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn như hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân... Đồng thời, Thông tư 39 cũng quy định cá nhân được vay vốn cho nhu cầu sử dụng vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân do chính cá nhân là chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân. 
 

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk

Về điều kiện vay vốn, so với Quyết định 1627, Thông tư 39 về cơ bản kế thừa quy định về điều kiện vay và có hai thay đổi quan trọng là bỏ điều kiện quy định về tài sản bảo đảm tiền vay; bổ sung đối tượng cá nhân được vay vốn là cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Theo Quyết định 1627, mục đích vay vốn là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đầu tư và đời sống. Thông tư 39 không giới hạn mục đích vay vốn như quy chế 1627 cũ mà chia nhu cầu vay vốn thành 2 nhóm: cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác. Thông tư 39 cũng bổ sung các quy định áp dụng riêng đối với hoạt động cho vay phục vụ hoạt động nhu cầu đời sống và cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của từng mảng cho vay này (như phương án sử dụng vốn, phương thức cho vay, thời hạn cho vay, lưu giữ hồ sơ). 

 
Kế thừa quy định về loại cho vay tại Quyết định 1627, Thông tư 39 quy định tổ chức tín dụng xem xét cho khách hàng vay theo 3 loại cho vay sau gồm cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 1 năm; cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 1 năm và tối đa 5 năm; cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 5 năm. Như vậy, so với quy định tại Quyết định 1627, Thông tư 39 đã thay đổi căn cứ tính thời hạn của khoản vay từ tháng sang năm. Ngoài ra, Thông tư 39 còn bổ sung một số quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, nợ gốc quá hạn…
 
Các ngân hàng tích cực tuyên truyền
 
Theo chỉ đạo của NHNN, muốn Thông tư 39 sớm đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, việc tiên quyết phải thực hiện là đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân hiểu rõ bản chất để tiếp cận vốn vay. Thực tế thời gian qua, do có nhiều luồng thông tin khác nhau khi chưa tường tận những thay đổi của Thông tư 39 khiến người dân lo lắng. Thậm chí ngay với những người trong ngành cũng chưa hẳn đã hiểu hết những thay đổi của Thông tư 39. Trước thực tế đó, NHNN đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tổ chức tín dụng, NHNN các tỉnh, thành phố để quán triệt những nội dung thay đổi. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ những thay đổi căn bản của Thông tư đến người dân. 
 
Theo đại diện một Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, giống như với bất kỳ một quy định mới nào ra đời, công tác truyền thông cần phải đi trước một bước. Vì vậy, ngay sau khi được thông qua những nội dung của Thông tư 39, đơn vị này đã triển khai quán triệt trong cán bộ công nhân viên, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông đến khách hàng của mình. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tập trung thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong cho vay đối với cá nhân nhằm tạo điều kiên tốt nhất cho người vay vốn, đồng thời tránh hiện tượng lợi dụng Thông tư này gây khó khăn cho khách hàng.
 
Có thể nói, Thông tư 39 không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập hiện nay mà còn mở ra nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay hơn cho người dân. Với sự vào cuộc quyết liệt của NHNN và các tổ chức tín dụng, hi vọng Thông tư 39 sẽ sớm phát huy tác dụng tích cực của nó.
 
Giang Nam
 

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ