A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bài 2: Chuyển rừng giàu thành… rừng nghèo!

09:26 | 10/10/2017

Chỉ trong một thời gian ngắn, các tỉnh Tây Nguyên đã vội vàng chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng để trồng cao su, trồng rừng, xây dựng thủy điện...

Nhiều cánh rừng giàu có, xanh tốt bỗng nhiên bị xếp loại rừng “nghèo” để các doanh nghiệp (DN) dễ bề chuyển đổi lấy đất thực hiện dự án. Trong khi đó, có những DN lại để người đi chặt phá rừng trái phép.
 

Rừng khộp ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị doanh nghiệp chặt phá để trồng cao su. Ảnh: CÔNG HOAN

Rừng khộp ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bị doanh nghiệp chặt phá để trồng cao su. Ảnh: CÔNG HOAN

Đua nhau chặt phá rừng giàu
Sau khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su tại Tây Nguyên vào năm 2009, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án (trồng rừng, cải tạo, trồng cao su…) trên đất lâm nghiệp với diện tích hơn 215.720ha. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đã cho phép 90 DN trong và ngoài tỉnh vào khảo sát, lập 104 dự án đầu tư trồng rừng, trồng cao su và một số loại cây nông lâm nghiệp khác. Nhưng từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha rừng bị tàn phá và lấn chiếm, trong đó có gần 3.000ha rừng thuộc sự quản lý của các dự án chuyển đổi rừng.
Do việc khảo sát không kỹ, nhiều cánh rừng giàu ở Đắk Lắk bỗng chốc biến thành rừng “nghèo” khi giao cho các DN. Đi khắp các dự án ở huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng… đâu đâu chúng tôi cũng gặp cảnh này. Vào năm 2010, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát  được giao 977ha đất lâm nghiệp ở tiểu khu 134, 138 thuộc xã Ea Jlơi, huyện Ea Súp để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su. Trong đó, hơn 193,5ha rừng nghèo được cải tạo để trồng cao su. Mặc dù được xếp vào loại rừng nghèo, nhưng trên thực tế, mật độ cây rừng ở đây rất dày, cây rừng có đường kính từ 15 - 60cm, cùng nhiều loại gỗ quý hiếm. 
Theo quy hoạch của tỉnh Gia Lai đến năm 2015, diện tích đất rừng chuyển đổi sang trồng cao su là trên 66.000ha, trong đó có hơn 51.000ha rừng tự nhiên nghèo. Qua đó, tỉnh đã cấp phép cho 44 dự án trồng cao su cho 17 DN. Nhưng trong quá trình triển khai dự án, nhiều DN tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được UBND tỉnh cho phép. Trong khi đó, UBND tỉnh Gia Lai đã giao gần 5.000ha đất ngoài quy hoạch cho 29/52 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su trong năm 2010 - 2011. Ngoài ra, tỉnh này còn buông lỏng quản lý rừng và lâm sản tận thu khi chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Việc chỉ định bán không qua đấu giá gần 500.000m3 gỗ trong năm 2010 - 2012 là trái quy định về bán đấu giá tài sản và gây thất thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước. 
Có một thực tế đáng buồn, nhiều cánh rừng khộp không thích hợp cho việc chuyển đổi trồng cao su nhưng tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai vẫn cho DN khảo sát trồng cao su. Tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), hai dự án trồng cao su của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn và Công ty CP Đầu tư Tân Tiến được giao trên những cánh rừng khộp nhiều sỏi đá, khó trồng cao su. Sau 3 năm được giao đất, Công ty Hoàng Nguyễn mới trồng được 80ha cao su hơn 1 tuổi nhưng cây xấu và phải trồng đi trồng lại vài ba lần. 
Nhận rừng xanh, trả đất trống
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã giao 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn cho các DN với tổng diện tích rừng hơn 31.600ha, trong đó có hơn 14.300ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ. Chỉ sau vài năm được bàn giao, đã có gần 4.800ha rừng tự nhiên bị tàn phá, gần 8.300ha rừng và đất rừng bị lấn chiếm, xâm canh. Tuy Đức là huyện được tỉnh giao nhiều dự án nhất (18 dự án), với diện tích rộng nhất (hơn 9.100ha) và diện tích rừng tự nhiên phải quản lý bảo vệ nhiều nhất (hơn 5.500ha). Nhưng đây cũng là địa phương để mất rừng nhiều nhất (hơn 2.200ha) và diện tích bị xâm canh lớn nhất (gần 3.000ha). Trong số này, có 3 DN để mất gần như toàn bộ rừng tự nhiên được giao là Công ty CP Kiến Trúc Mới (643,1/924,7ha), Công ty TNHH Long Sơn (501,7/507,7ha) và DNTN Phạm Quốc (233,6/234,3ha). Mới đây, tỉnh Đắk Nông phải ra quyết định buộc 5 DN để mất 255ha rừng phải đền bù thiệt hại cho Nhà nước với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng, gồm: Công ty Công Long, Công ty GreenFarm Đắk Nông, DNTN Phạm Quốc, Công ty CP Nông Lâm nghiệp Khải Vy và Công ty Hoàng Ba. 
Tại tỉnh Gia Lai, có 9 dự án thuê đất để trồng rừng, kết hợp chăn nuôi nhưng phần lớn đều không hiệu quả, để xảy ra tình trạng đất dự án bị dân bao chiếm. Vào năm 2006, Công ty CP Xuất nhập khẩu Lê Khanh được giao hơn 2.093ha đất rừng để triển khai dự án tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Nhưng từ năm 2006 đến 2010, công ty nhiều lần bị thu hồi với diện tích tổng cộng hơn 1.680ha. Số diện tích còn lại hơn 412ha thì công ty trồng keo lai ở một số diện tích. Có mặt tại dự án của công ty này ở thôn 6, xã Ia Le, chúng tôi chứng kiến nhiều vạt keo lai trồng manh mún bị chết khô, cỏ mọc um tùm. Nhiều chỗ cây ngã đổ nằm phơi mình. Đi sâu vào trong đất dự án, không thấy keo lai đâu mà chỉ thấy cây mì, bắp, chuối do dân trồng mọc xanh um. 
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, 5 dự án cho thuê đất trồng rừng khác của Công ty TNHH Nam Cường, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh, Công ty TNHH TM Đệ nhất Việt Hà, Công ty TNHH Thịnh Hưng Nguyên và Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến cũng không có hiệu quả. Đối với 5 dự án này, nhiều diện tích rừng khi trồng lên thì bị chết, cháy. Đất dự án nhưng bị xâm chiếm để sản xuất nông nghiệp. Điển hình như dự án trồng rừng kết hợp với chăn nuôi của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trường Thịnh. Dự án này được giao 697ha, trong đó diện tích hoàn công là 449ha (trồng keo lai và bạch đàn), còn lại là 247ha phần lớn đã bị dân lấn chiếm. Qua kiểm tra hơn 449ha rừng trồng, có 422ha đã bị cháy và chết.
“Lâm tặc có giấy phép” 
Hiện tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép cho 329 DN thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích là 57.151ha. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, nhìn chung các dự án thuê đất, thuê rừng đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ, không tổ chức hoặc bố trí lực lượng không đủ mạnh để quản lý, bảo vệ rừng. Vì thế, tỉnh buộc phải thu hồi 180 dự án với tổng diện tích 26.210ha.
Sở KH-ĐT Lâm Đồng cũng vừa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty CP Nam Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh và Công ty TNHH An Nguyễn (đều thuộc huyện Bảo Lâm) vì không thực hiện dự án và để mất rừng với số lượng lớn. Từ khi thuê đất rừng đến nay, Công ty An Nguyễn gần như không triển khai dự án, mà chỉ thực hiện khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích được cải tạo trồng rừng. Ghi nhận tại khu vực đất rừng thuộc dự án của công ty này, những cánh rừng một thời xanh tươi đã bị đốn hạ, phá trắng để trồng cà phê, trồng chè, không còn dấu tích của rừng. Có những quả đồi bị lấn chiếm, cạo trọc, chờ trồng các loại cây. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, riêng số rừng bị lấn chiếm trái phép đã có 94,7ha trồng cà phê. Thậm chí, bảo vệ công ty này là ông Vũ Văn Thanh  đã trực tiếp và tiếp tay lâm tặc phá rừng bằng hình thức ken cây bỏ hóa chất, đào hố trồng cà phê với diện tích 2,61ha, trữ lượng lâm sản thiệt hại hơn 118m³. 
Tại dự án của Công ty TNHH Nam Nam (tổng diện tích 120,38ha, nằm tại tiểu khu 442, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm), những cánh rừng hàng chục năm tuổi đã bị mất 18,81ha với trữ lượng gỗ thiệt hại 1.372m3. Phần diện tích bị lấn chiếm lớn đã được thay thế bằng các loại cây công nghiệp dài ngày rất khó có khả năng giải tỏa. Ngay sau đó, tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu công ty này bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng, nhưng đơn vị này không chấp hành. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện công ty này ngang nhiên dùng máy múc, múc hố và trồng trái phép hơn 4ha trong diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ. 
Theo ông Nguyễn Tài Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, trên địa bàn huyện hiện có 54 tổ chức, DN được giao và thuê đất rừng với tổng số 15.988ha. Thời gian qua, trên địa bàn xảy ra các vụ lấn chiếm gây thất thoát rừng ở các dự án do DN quản lý. Nhưng hiện vẫn chưa có chế tài xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, người đứng đầu DN để mất rừng. Khi xảy ra tình trạng mất rừng, tỉnh chỉ yêu cầu bồi hoàn lại số lượng rừng bị mất nên phần lớn các DN chây ỳ không thực hiện.

CÔNG HOAN - HỮU PHÚC - ĐOÀN KIÊN

Bài 1: Rừng cộng đồng bị… “cộng đồng” phá!

    Nguồn: Báo SGGP online

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ