A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nhiều diện tích rừng ở Tây Nguyên tiếp tục bị xoá sổ

09:37 | 17/11/2017

Tại Tây Nguyên, có hơn 850.000 ha rừng hiện đang được giao cho các công ty lâm nghiệp quản lý, chiếm gần 30% diện tích rừng của khu vực.

Thế nhưng, sau khi  thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động của các lâm trường quốc doanh thành Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp theo Nghị quyết 28 năm 2003 và Nghị quyết 30 năm 2014 của Bộ Chính trị, hàng loạt các công ty lâm nghiệp này lại hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Nhiều diện tích rừng ở Tây Nguyên do các công ty lâm nghiệp quản lý đã bị xóa sổ. 

Theo đó, diện tích và chất lượng rừng vẫn tiếp tục bị thu hẹp, suy giảm. Gần đây, một số đơn vị giải thể, hoặc chuyển sang hoạt động sản xuất kinh doanh, hạch toán độc lập theo Luật Doanh nghiệp, nên việc quản lý bảo vệ rừng càng bị buông lỏng.

Điều đáng nói là một số chủ rừng lại thông đồng, tiếp tay cho việc phá, lấn chiếm đất rừng. Do đó, rừng đã có chủ nhưng vẫn như vô chủ; lâm sản bị khai thác, đất rừng bị lấn chiếm một cách trắng trợn.  

Lâm trường Buôn Ya Vầm ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk là một trong các lâm trường được chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp từ rất sớm- năm 1996.

Cùng với khai thác lâm sản, Công ty còn  kinh doanh dịch vụ thương mại, trồng và chế biến cà phê, sản xuất phân vi sinh…

Do đó, khi thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên, Công ty không bị lúng túng trong vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tài chính như hầu hết các công ty lâm nghiệp khác.

Điều đáng nói là, rừng và diện tích đất lâm nghiệp của Công ty này đã teo tóp một cách kỳ lạ. Từ chỗ quản lý trên 16.900 ha rừng, sau nhiều lần bị thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng, diện tích đất lâm nghiệp của Công ty chỉ còn lại một nửa, với 8.500 ha, trong đó chỉ có 5.500 ha rừng.

Trớ trêu nữa, trong số 8.500 ha đất do Công ty này quản lý, đã có hàng trăm hộ dân di cư từ nơi khác đến phá rừng, dựng nhà lập vườn trái phép.

Từ chỗ chỉ vài chục hộ ban đầu, do không xử lý triệt để nên hiện tại đã hình thành những khu dân cư trên đất lâm nghiệp với tổng số 216 hộ.

Đã có hơn 1.000 ha rừng trở thành đất ở và vườn cây công nghiệp, dẫu trên bản đồ vẫn là rừng, là đất lâm nghiệp do Công ty Buôn Ja Vầm quản lý.

Ông Trần Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Vầm cho biết: Tỉnh Đắk Lắk đã lập dự án quy hoạch khu định cư, với trên 350 ha đất ở, đất sản xuất để di chuyển số dân lấn chiếm rừng về đây sinh sống.

Nhưng việc đưa dân vào vùng quy hoạch này chẳng khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”, chỉ vài chục hộ chuyển vào một thời gian, rồi trở lại bám víu lấy diện tích đất rừng đã xâm lấn.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 41 doanh nghiệp tư nhân được UBND tỉnh giao, cho thuê đất và rừng để đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp. Khi đã được giao rừng và trở thành chủ rừng, hầu hết các doanh nghiệp này lại tìm mọi thủ đoạn để khai thác lâm sản.

Tệ hại hơn, họ tìm cách cạo trọc  rừng rồi biến thành đất sản xuất nông nghiệp. Chỉ trong 10 tháng của năm 2017, cơ quan điều tra tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 15 vụ, với 48 bị can về hành vi khai thác, huỷ hoại rừng.

Trong đó, không ít bị can là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, có cả sĩ quan công an. Hiện tại, nguyên giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng kỹ thuật quản lý bảo vệ rừng của các công ty như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trường Xuân (huyện Đắk Song); Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắk Ha (huyện Đắk Glong); Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (huyện Đắk Song) đã bị bắt giam để điều tra về việc hàng chục, thậm chí hàng trăm ha rừng ở các đơn vị này bị tàn phá, đất lâm nghiệp bị bao chiếm và biến thành đất trồng cây công nghiệp. 

Trao đổi với ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông khẳng định: Tại địa phương này đã tồn tại các đối tượng lấn chiếm, sang nhượng đất rừng trái phép, các đối tượng đầu nậu và nhất là các cán bộ, công chức ở các cấp, các đơn vị chủ rừng có hành vi buông lỏng trong quản lý, bao che, tiếp tay cho phá rừng, lấn chiếm đất rừng, nhất là rừng được giao cho doanh nghiệp tư nhân.

Ông Tùng cũng cho biết: Quan điểm của tỉnh là phải tập trung xử lý nghiêm các đối tượng lấn chiếm đất rừng tráí phép. 

Tỉnh Kon Tum có 7 công ty lâm nghiệp, quản lý trên 222 nghìn ha rừng. Các công ty này đã chuyển đổi  thành công ty TNHH MTM lâm nghiệp. Tất cả các công ty này đều lúng túng với việc sản xuất kinh doanh. 

Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Tây Nguyên tiếp tục bị mất gần 1.000 ha rừng, nhiều diện tích trong số này thuộc về lâm phần các công ty lâm nghiệp.  

Đắk Nông:  Kỷ luật 2 chủ tịch xã để xảy ra “điểm nóng” về phá rừng
 
Văn phòng UBND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông xác nhận Hội đồng Kỷ luật huyện Đắk Song quyết định kỷ luật với hình thức “cảnh cáo” ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND Nâm N’Jang. Với tư cách là Chủ tịch UBND xã, trưởng ban Lâm nghiệp xã, ông Nguyễn Hữu Tầm đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện hết nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã, để mất hơn 45 ha rừng. Hội đồng Kỷ luật huyện Đắk Song quyết định kỷ luật vời hình thức “khiển trách” ông Phạm Quốc Thụy, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân do để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn với diện tích hơn 2 ha.
 
Bên cạnh đó, một diện tích tương đối lớn rừng thông phòng hộ cảnh quan ven đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) bị tàn phá, lấn chiếm cũng có trách nhiệm liên đới của ông Phạm Quốc Thụy. 
 
Ông Nguyễn Văn Phò - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết UBND tỉnh đã có chỉ đạo về việc xử lý lãnh đạo các cơ quan chức năng cũng như lãnh đạo các địa phương xảy ra tình trạng phá rừng.
 
Từ đầu năm 2016 đến nay, Nâm N’Jang và Trường Xuân là hai điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng của cả huyện Đắk Song nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.
 
H.Thịnh

Tuấn Anh-Xuân Lãm

 

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ