A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk Lắk nỗ lực giảm thiểu hôn nhân cận huyết

15:44 | 20/01/2018

Đắk Lắk là tỉnh có 47 dân tộc anh em cùng chung sống với những nét văn hóa đa dạng độc đáo. Tuy nhiên, ở nhiều buôn làng vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu trong quan niệm về hôn nhân, đặc biệt là tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết.

Đắk Lắk nỗ lực giảm thiểu hôn nhân cận huyết

Tình trạnh tảo hôn, sinh nhiều vẫn diễn ra ở vùng xa, vùng sâu tỉnh Đắk Lắk.

Mặc dù đã được cán bộ, cộng tác viên dân số tuyên truyền vận động thế nhưng với suy nghĩ không muốn con cháu trong dòng họ lấy họ ngoài phải chia tài sản. Nhiều gia đình vẫn có để cho con cháu ruột kết hôn với nhau.  

Bà H’Long Ding, dân tộc M’Nông ở buôn Pai Ar (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, Đắk Lắk) cho biết: “Từ xưa đến nay trong dòng tộc của bà có rất nhiều người lấy nhau.

Theo quan niệm ông bà để lại người cùng dòng họ lấy nhau để thừa kế tài sản, giữ của cải vật chất trong nhà không bị chia cho người dòng họ khác và là anh em cũng sẽ thương nhau hơn”. 

Với suy nghĩ đó nên khi con gái H’el Long Dinh đến tuổi lấy chồng bà H’Long vẫn khuyến khích con gái lấy người trong họ. 

Cuộc hôn nhân cận huyết thống giữa chị H’el Long Dinh với anh con nhà bác ruột đã diễn ra được 4 năm, hiện đôi vợ chồng này đã có với nhau một cháu trai hơn 2 tuổi. 

Không chỉ gia đình bà H’Long có con kết hôn cận huyết mà nhiều gia đình khác cũng cho con cái, anh em trong nhà lấy nhau.  

Chị H’Đhim Liêng Hót, cộng tác viên dân số buôn Pai Ar, xã Đăk Phơi, huyện Lắk chia sẻ, việc lấy nhau cận huyết rất có hại cho thế hệ sau, chúng tôi đã từng nhà động viên, nhưng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các buôn làng vẫn còn nhiều. 

Chính quyền địa phương tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, giải thích về pháp luật, hậu quả nhưng bà con ở các buôn làng thì vẫn chưa chịu hiểu, họ vẫn để cho con cháu lấy nhau. Chuyện con cô con cậu ruột lấy nhau vẫn diễn ra khá phổ biến. 

Một trong những hậu quả của việc kết hôn cận huyết thống mà nhiều bà con buôn Ranh B ở xã Đăk Liêng, huyện Lắk đều thấy là cuộc hôn nhân giữa Y Lương Pang Sưk và H’Ninh Nơm (mẹ Y Lương là em gái ruột của bố H’Ninh). 

Vợ chồng Y Lương không biết rằng cuộc hôn nhân của mình chính là nguyên nhân khiến con trai đầu lòng bị khoèo chân, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ và đứa con gái mới 6 tháng tuổi đã qua đời do bệnh bại não. 

Theo thống kê của tỉnh Đắk Lắk năm 2015, tình trạng kết hôn trong độ tuổi từ 12-19 tuổi có 75.569 người, dưới 12 tuổi là 935 người. Hôn nhân cận huyết thống ở dân tộc M’Nông chiếm 4,02%.  

Bác sỹ H’Lê Niê, Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trước tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống diễn ra thường xuyên, năm 2009, Đắk Lắk được chọn thực hiện thí điểm mô hình “Can thiệp làm giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số” tại 4 xã được xem là điểm nóng trên địa bàn 2 huyện Lắk và Krông Pắk. 

Đến nay, mô hình đã được nhân rộng hầu hết ở các huyện. 

Các đơn vị cơ sở tổ chức nhiều buổi tư vấn nhóm, hộ gia đình và đặc biệt quan tâm đến các đối tượng tuổi vị thành niên, thanh niên. 

Phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền đến từng hộ gia đình giúp người dân nhận thức được tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống sẽ sinh ra những đứa trẻ dễ mắc các bệnh di truyền như hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, dị dạng bẩm sinh, bạch tạng, mù màu và tan máu bẩm sinh. 

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình đạt kết quả chưa cao do địa bàn rộng, lực lượng cán bộ dân số cơ sở mỏng và dân cư sống rải rác ở những vùng hẻo lánh, khó tiếp cận

Thực hiện Quyết định số 498/ QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025” và Quyết định số 439/QĐ-UBDT ngày 13/8/2015 của Ủy ban Dân tộc về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015- 2020”, UBND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng, riêng năm 2017 đã bố trí 300 triệu đồng. 

Ông Lê Ngọc Vinh, Trưởng phòng Chính sách Dân tộc, Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết: Để có những tài liệu tuyên truyền hiệu quả, Ban dân tộc tỉnh đã biên soạn tài liệu và xin giấy phép xuất bản sổ tay hỏi đáp về hôn nhân và gia đình, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tờ rơi tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cùng với đó tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền tại các xã để tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc tảo hổn và kết hôn cận huyết thống. 

Nguyễn Tuấn Anh

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ