A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thắm tình Việt - Lào trên đất Tây Nguyên

13:34 | 26/04/2018

Hiện ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) có hơn 200 người Việt gốc Lào. Cuộc sống chan hòa, đoàn kết, các nét văn hóa giao thoa như một minh chứng sống động, bền bỉ, sắc son cho nghĩa tình hai dân tộc Việt – Lào.

Người Việt gốc Lào ở Krông Na hòa mình cùng các dân tộc khác trong những điệu chiêng vang cả núi rừng.

Bén duyên trên quê mới

Trong nắng chiều vàng óng bên dòng Sêrêpốc phóng khoáng, ầm ào, gương mặt ông Kẹo Pha Lung bừng lên niềm kiêu hãnh khi kể chuyện, bố ông - dũng sĩ săn và thuần dưỡng voi Kẹo Pha Phun dắt ông rong ruổi qua những cánh rừng bạt ngàn xanh thẳm, những con suối mát cận kề buôn làng. Cuộc sống quyện hòa trong không gian đậm đầy nghĩa tình. Mỗi chú voi được thuần dưỡng đều tươi vui với ánh mắt thân thiện như một thành viên trong gia đình, dòng tộc. Cũng trong một lần, vào những ngày tiết thanh minh, đầu năm, rong ruổi qua vùng đất Buôn Đôn giao thương hàng hóa, Kẹo Pha Lung mê mẩn với tiếng chiêng và những điệu múa của các cô gái Ba Na ở Buôn Đôn nên quyết tâm ở lại lập nghiệp trên quê mới. Các thế hệ con cháu của ông mang hai dòng máu Việt-Lào sinh trưởng trên mảnh đất Buôn Đôn.  

Những người Lào đến định cư đầu tiên ở xã Krông Na như ông Kẹo Pha Lung, Kẹo Pha Lào, Lai Văn Lào…giờ không còn nhiều nhưng các thế hệ sau đều như sợi dây kết nối, tiếp nhận, gìn giữ những giá trị văn hóa nên nghĩa tình ngày càng bền chặt hơn. Nhìn những khu hàng hóa đa dạng sắc màu với đầy đủ các sản phẩm đặc trưng của người Êđê, M’nông, Lào ở Buôn Trí A (xã Krông Na), anh Khăm Thanh tự hào: Cha mình đến dạy cách thuần dưỡng voi cho các nài voi người Êđê, trực tiếp điều khiển voi tham gia các cuộc đua nữa, sau đó lấy vợ người Êđê sinh ra mình, giờ mình lại nên duyên với một cô gái Êđê. 

Lúc nông nhàn hay các ngày lễ hội, những gia đình người Việt gốc Lào lại quây quần bên nhau ôn lại những giá trị truyền thống của hai dân tộc. Cũng bởi sự quyện hòa đó nên giờ nhìn qua khó có thể phân biệt đâu là người gốc Lào đâu là người Êđê. Đặc biệt, mỗi lần gặp mặt như thế mỗi người còn chia sẻ kinh nghiệm làm rẫy cũng như cách bảo vệ cây dược liệu quý dọc dài trên mảnh đất Buôn Đôn.  

Hai câu thơ: Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long hầu như tất cả người Việt gốc Lào cũng như cộng động các dân tộc Việt Nam ở Buôn Đôn đều thuộc lòng. Họ xem đó là minh chứng sống động về tình nghĩa gắn kết của mình. 

Sâu sắc thêm tình hữu nghị

Đã nhiều năm trôi qua, năm nào trong mâm cơm mới đầu năm gia đình chị H’On Kẹo Lào ở Buôn Trí B (xã Krông Na) cũng nấu đầy đủ cả món ăn truyền thống của người Việt lẫn người Lào. Chị Kẹo Lào chia sẻ rằng, mình sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, lấy chồng người Êđê, thấm sâu mọi nét văn hóa tốt đẹp của Việt Nam nhưng cũng được cha mẹ dặn kỹ các món ẩm thực, các nét đẹp của Lào để còn giao lưu và trao truyền cho con cái sau này. Ở đây chuyện người Êđê nên duyên với người Lào, người Lào lấy vợ (chồng) người M’Nông chẳng phải là chuyện hiếm hoi nữa. Tình nghĩa chan hòa, mọi ranh giới như được xóa đi. Điều ấy càng khiến hai bên biên giới gắn kết nhau, hiểu nhau hơn. 

Hòa mình trong cuộc sống dung dị, gần gũi với cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở Buôn Đôn suốt bao năm, nhiều bà con người Lào cũng nghiệm ra rằng: Gian khó nào thì cũng qua hết, cứ chăm chỉ làm việc và thương yêu, giúp đỡ mọi người quanh mình thì sẽ thấy trong lòng lúc nào cũng vui như mùa hội cả. 

Theo UBND xã Krông Na, để làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai dân tộc, tình đoàn kết bền chặt giữa các buôn làng thì hàng năm ngoài việc tổ chức các lễ hội đầm ấm, vui tươi cho tất cả cộng đồng các dân tộc thì chính quyền các cấp của Đắc Lắc còn tổ chức Tết Bun-pi-may (tết cổ truyền của người Lào diễn ra vào giữa tháng 4) cho những người Việt gốc Lào. 

“Từ năm 2018 này chúng tôi ngồi lại cùng các dân tộc anh em khác quyết không để có thêm giá trị truyền thống nào bị mai một nữa. Đặc biệt là với đàn voi nhà và những bộ chiêng quý, những làn điệu dân ca của người Lào lẫn người Việt. Mỗi lần nhìn du khách khắp mọi miền tổ quốc kể cả thế giới  về Tây Nguyên để chiêm ngưỡng voi, lắng nghe cồng chiêng càng thấy đó là tài sản vô giá. Voi cũng như người vậy, khi không gian dành cho voi không bị xâm hại, voi không bị dồn đuổi thì rất hiền hòa với con người” – ông Nay Hon chia sẻ.    

Xuân Hiếu

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ