A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cấp thiết giải quyết ô nhiễm môi trường vùng nông thôn (Kỳ cuối)

10:27 | 31/05/2018

Kỳ cuối: Lộ trình xử lý rác thải

Để khắc phục tình trạng  ô nhiễm môi trường vùng nông thôn hiện nay, ngoài việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân, cộng đồng thì điều cốt yếu là việc triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý rác thải.

Xây dựng những mô hình bảo vệ môi trường

Nhằm bảo vệ môi trường sống cho cư dân vùng nông thôn trên địa bàn, một số địa phương, ban, ngành đã và đang triển khai các mô hình thu gom, xử lý rác thải hiệu quả. Đơn cử như việc xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar). Từ năm 2012, địa phương bắt đầu triển khai hoạt động thu gom rác thải tại địa bàn thôn 3 với sự đóng góp của người dân,  đến nay 100% số thôn, buôn trong xã đều thành lập tổ thu gom rác. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt đã được cải thiện rõ rệt, ý thức chấp hành về vệ sinh môi trường của người dân đã có chuyển biến tích cực, nhất là trong việc tập kết rác theo đúng giờ, nơi quy định.

Người dân xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) xử lý chất thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ.

Trong việc xử lý rác thải là chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, một số địa phương đã thực hiện mô hình bể thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật như xã Quảng Tiến, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar), Hòa Đông (Krông Pắc)... đã góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

 
“Thúc đẩy xã hội hóa việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cùng với việc tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn là việc địa phương cần làm ngay”.
 
Ông Y Khuôn Êban, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh

Liên quan đến môi trường trong chăn nuôi, theo quy hoạch phát triển của ngành Nông nghiệp,  thời gian tới sẽ tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành, do đó hiện nay cơ quan chức năng và nông dân đang tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường chăn nuôi nhằm phát triển ngành theo hướng bền vững. Ông Lê Hoa, Trưởng Phòng Vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân tích, chăn nuôi nông hộ là một trong những hình thức chăn nuôi thế mạnh của địa phương và mang lại nguồn thu lớn cho bà con. Việc xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi không chỉ bảo vệ môi trường sống mà còn là một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Hiện nay việc xử lý chất thải có rất nhiều cách có thể tương thích với điều kiện sản xuất của từng nông hộ như xây dựng hệ thống hầm biogas, đệm lót sinh học, thu gom phân để xử lý, sử dụng công nghệ sinh học thông qua thức ăn nhằm xử lý chất thải ngay trong đường ruột của vật nuôi…

Xã hội hóa việc thu gom, xử lý rác thải

Từ thực trạng nêu trên, có thể thấy, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải tác động đến tất cả các yếu tố trong quá trình hình thành, xử lý rác thải và có sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cấp, ngành liên quan. Việc tác động phải có trọng tâm theo lộ trình, trong đó, điều quan trọng nhất là hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề rác thải. Đồng thời, quy đầu mối thống nhất quản lý việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.

Mô hình thu gom rác thải dựa vào cộng đồng ở xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar).

Cùng với đó, nên chăng đưa việc thu lệ phí thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang giá dịch vụ môi trường, bởi theo tính toán hiện nay người xả thải chỉ mới đóng 20% tổng chi phí, phần còn lại lên tới 80% vẫn là ngân sách chi trả. Nếu đưa phí thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành giá dịch vụ thì sẽ tạo điều kiện rất lớn để các doanh nghiệp môi trường đầu tư vào xử lý rác thải sinh hoạt. Về lâu dài phải tiến tới công nghệ tái chế rác thải, đốt rác - phát điện, xử lý rác thải thành phân bón để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Đặc biệt, lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ quản lý và tập quán của từng vùng; ưu tiên các giải pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, tăng cường tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong nông nghiệp; định hướng và khuyến khích sản xuất sạch, sản xuất sạch hơn…

Thúy Hồng – Thanh Hường

    Nguồn: "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ