A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nơm nớp hàng giả

09:20 | 29/06/2018

Nói đến vấn nạn hàng giả hàng nhái, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam giống như một điểm trũng để hàng giả hàng nhái “chảy” vào và đáng quan ngại ở chỗ nhiều DN, người tiêu dùng vẫn đang thờ ơ và sống chung với vấn nạn này.

Theo các chuyên gia, nếu không thay đổi tư duy, nạn hàng giả, hàng nhái sẽ vẫn còn đất sống.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng giả tại chợ Bến Thành (Quận 1 - TP Hồ Chí Minh). Ảnh Hồ Luân.

Dai dẳng, không “thuốc” chữa 

Càng ngày, vấn nạn hàng giả hàng nhái càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái  đã bị điều tra, phát hiện, chủ yếu liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa. Điển hình như các vụ việc liên quan đến Công ty Thuận Phong, Công ty TS và Tập đoàn Khải Silk đã khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc. 

Và cũng chỉ trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM kiểm tra 10.560 vụ, phát hiện 3.037 vụ vi phạm. Cụ thể, có 463 vụ buôn bán hàng giả; 153 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; 771 vụ vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn, quản lý hóa đơn, website bán hàng… Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho hay, ngoài hàng nhập lậu thì hàng vi phạm sở hữu công nghiệp cũng gia tăng. 

Thời gian qua, lực lượng chức năng ra quân kiểm tra các trung tâm thương mại, chợ truyền thống đều phát hiện đồng hồ, mắt kính, túi xách… giả thương hiệu tên tuổi như: Nike, Gucci, Chanel, Rolex… Mới đây nhất, Đội quản lý thị trường 4A vừa kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH TM DV Dược phẩm Bình Phú (phường Tân Phong, quận 7) phát hiện hàng hóa xâm phạm bản quyền.

Tại địa điểm chứa trữ 1.705 hộp thực phẩm chức năng Collagen mang nhãn hiệu Anderson. Qua hoạt động kiểm tra, Đội quản lý thị trường 1A tạm giữ 1,1 tấn kg wax sáp nhận tạo paraffin không rõ nguồn gốc xuất xứ và 297,2 tấn hóa chất các loại chưa xuất trình hóa đơn chứng từ tại Công ty TNHH Thương mại Hoàn Đạt (lô 2 đường số 1, khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân).

Dựa trên kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho thấy, hàng giả liên quan đến sức khỏe ngày càng nhiều như: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, đồ uống, mỹ phẩm… Đơn cử, kiểm tra 45 vụ dược phẩm thì 44 vụ vi phạm. Đối với thực phẩm chức năng có 33/34 vụ vi phạm, đa phần là sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt hoặc có nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo quy định.

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường TP HCM nỗ lực phát hiện và xử lý. Kết quả, 6 tháng đầu năm phạt 2.211 vụ vi phạm, số tiền nộp ngân sách gần 63,6 tỷ đồng tiền phạt, tiền bán hàng hàng tịch thu và tiền thu lợi bất hợp pháp… Trị giá hàng hóa tiêu hủy hơn 40,8 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 30 tỷ đồng. 

Nói về thực trạng hàng giả, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, người tiêu dùng hiện nay đang rất lúng túng trước thị trường hàng hóa vô cùng phong phú, đa dạng mà khó có thể phân biệt được thật giả. Theo ông Hùng, do lợi nhuận cao, hàng giả như “ký sinh trùng” sống nhờ vào hàng thật, luôn thay đổi để “kháng thuốc” nên tồn tại vô cùng dai dẳng. “Trong khi tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu diễn biến ngày càng phức tạp thì những bất cập, hạn chế từ cơ chế chính sách, chế tài xử lý vi phạm, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa đồng bộ, chặt chẽ” - ông Hùng nhận định.

Cần thay đổi tư duy

Chống vấn nạn hàng giả hàng nhái không còn là vấn đề của riêng ai. Vấn nạn này được liệt vào một trong những căn bệnh nan y khó chữa của xã hội. Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ, bản thân các DN, người tiêu dùng dường như vẫn đang chịu đựng, nói cách khác là rất thờ ơ với việc phải đấu tranh với vấn nạn này. Theo PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn quản trị Thương hiệu (Đại học Thương mại) một con số khảo sát cho hay, cứ 100 DN sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ thì  90% trong số đó lo sợ sản phẩm của mình bị làm nhái, thế nhưng có đến 70% DN lại sẵn sàng sao chép kiểu dáng, mẫu mã của sản phẩm khác. Khi DN sẵn sàng thỏa hiệp với việc làm giả, làm nhái, thì việc chống hàng giả, hàng nhái sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, cần phải thay đổi tư duy của cả DN cũng như người tiêu dùng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái. Nếu DN cứ thỏa hiệp với việc sao chép, đánh cắp bản quyền như con số nói trên đưa ra thì vẫn nạn chống hàng giả hàng nhái vẫn còn rất nhiều đất để sống để phát triển. Ở một khía cạnh khác, TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng câu chuyện chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không mới. Hàng Việt Nam hiện đã tham gia vào nhiều công ước về sở hữu trí tuệ, nhưng nghịch lý là Việt Nam lại đứng thứ hạng thấp trong câu chuyện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, ông Phan Hoàng Kiếm – Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM băn khoăn: Lợi nhuận cao, hình thức xử phạt thấp nên hàng giả “sống khỏe”. Theo Chi cục Quản lý thị trường TP HCM, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan tạo điều kiện cho hàng giả tung hoành. Trong đó, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu tinh vi, trà trộn sản phẩm thật – giả gây khó khăn trong việc phát hiện. Người tiêu dùng trẻ có tâm lý sính ngoại nhưng điều kiện thu nhập không cao, vì vậy hàng giả có kênh tiêu thụ và tồn tại lâu dài. 

Minh Phương - Thanh Giang

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ