A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phơi, đốt rơm rạ trên các quốc lộ: Hiểm họa khôn lường

10:25 | 05/07/2018

Liên tục trong thời gian gần đây xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân là do việc phơi, đốt rơm rạ trên các tuyến quốc lộ gây ra.

Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã vào cuộc, đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức của bà con ở nhiều nơi vẫn còn là một bài toán khó.

Người dân đốt rơm rạ trên đồng và ven quốc lộ gây ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông.

Gây nguy hiểm cho cộng đồng 

Tại các huyện ở một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... vào những ngày cuối mùa gặt lúa, tình trạng xâm lấn mặt đường đã trở nên phổ biến.  Đường càng to, càng được bà con “trưng dụng” và coi nó như sân phơi của nhà mình. Những ngày trời nắng, mặt đường trở thành nơi lý tưởng để nông dân mang rơm, rạ, thóc lúa ra phơi. 

Đã có rất nhiều phương tiện phải hứng chịu hậu quả từ việc tận dụng mặt đường như thế này. Nhẹ thì bị rơm, rạ quấn vào bánh xe gây chết máy, nặng sẽ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Gần đây nhất, vào giữa tháng 6-2018, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra hai vụ ô tô bốc cháy ngùn ngụt giữa trưa nắng. Nguyên nhân được xác định là do hai chiếc xe bị rơm phơi trên đường quấn vào gầm xe, sức nóng từ ống xả và nhiệt độ cao khiến rơm bắt lửa, cháy lan lên xe. Tuy đã được người dân xung quanh nỗ lực dập lửa, nhưng hai chiếc xe trên đã bị hư hỏng nặng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. 

Anh Nguyễn Văn Thành, một lái xe taxi cho biết đã từng bị rơm quấn vào bánh xe quá nhiều khiến má phanh bị bó cứng đến mức phải gọi cứu hộ khi chở khách qua địa phận huyện Đan Phượng (Hà Nội). “Cũng may tôi sớm nhận ra hiện tượng bất thường nên đã dừng xe để kiểm tra, nhưng lượng rơm quấn vào 4 bánh xe rất nhiều và chặt nên không thể dùng tay để gỡ ra được.”, anh Thành chia sẻ. 

Không chỉ tận dụng mặt đường làm việc riêng, nhiều gia đình không có nhu cầu sử dụng rơm, rạ, nên sau khi thu hoạch đã gom lại và đốt ngay tại bờ ruộng, bên cạnh đường quốc lộ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội, hiện mỗi năm trên địa bàn có khoảng trên 1 triệu tấn rơm, rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hơn 1/3 số phụ phẩm này đang bị đốt bỏ, vừa gây lãng phí vừa làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. 

Việc người dân đốt rơm, rạ không chỉ che khuất tầm nhìn, mà còn có hại cho sức khỏe của người tham gia giao thông. Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO. Đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, gây dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...  

Nhiều nguyên nhân 

Hoạt động trên không chỉ gây thiệt hại về tài sản, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng nhưng ý thức của người dân vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến, thậm chí họ còn đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho việc làm của mình. Ở những gia đình thuần nông, rơm, rạ vẫn được dùng làm chất đốt chính trong nhà nên không thể vứt bỏ, sân nhà lại chật nên chỉ có thể mang ra đường để phơi. Một số nơi, người dân cho rằng, rơm rạ không đốt sẽ không biết bỏ đi đâu khi vẫn cần phải tái tạo mặt ruộng để tiếp tục sản xuất. “Trên đường cao tốc nắng to, phơi thóc nhanh khô hơn nhiều nên phải tranh thủ, nếu không thóc sẽ nảy mầm. Việc đốt rơm, chúng tôi cũng chẳng có cách nào khác, nhà chật, bán cũng chẳng ai mua nên chỉ biết đốt đi cho sạch.”, bà Nguyễn Thị Hiền ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam phân trần. 

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh khẳng định: Hiện tượng này đã diễn ra hàng chục năm nay, dù hoàn toàn sai nhưng đã thành thói quen của người dân nông thôn. Theo ông Minh, Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp với 63% dân số đang sống ở khu vực nông thôn, làm việc sản xuất trong lĩnh vực liên quan tới nông nghiệp, bởi vậy nhu cầu thu gom, xử lý nông sản là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, công tác tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, thiếu các giải pháp đồng bộ để xử lý triệt để những vi phạm nêu trên. 

Chia sẻ với vai trò là lãnh đạo chính quyền địa phương, ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang (Hải Dương) cho biết, trước mỗi vụ gặt, UBND xã đều có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân về nguy cơ từ việc phơi thóc trên đường, thậm chí tổ chức ký cam kết nhưng tình trạng này vẫn không cải thiện. Theo ông Tuấn, xử lý mạnh tay việc này rất khó vì người nông dân cũng chỉ vì mưu sinh, thu nhập chỉ biết trông vào cây lúa, nếu chỉ cấp xã đứng ra xử lý rất khó khăn…

Theo Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Trần Hữu Minh, để giải quyết được vấn đề này, ngoài việc tham khảo kinh nghiệm các quốc gia phát triển như ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới (không cần đốt...), thu gom xử lý nông sản chuyên nghiệp, cần phải quy hoạch không gian sử dụng đất nông thôn, trong đó bảo đảm dành đủ không gian cho các hoạt động xử lý nông sản. Không gian này cần được thiết kế một cách thuận tiện nhất, gắn chặt với cộng đồng dân cư ở nông thôn. “Khi có chỗ phơi xử lý nông sản một cách thuận tiện an toàn, họ sẽ không sử dụng mặt đường nữa. Những trường hợp cố tình vi phạm, chính quyền địa phương cần kiên trì tuyên truyền vận động và xử lý nghiêm”, ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh.    

Đỗ Bình

 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ