A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Công tác cải cách hành chính - Bao giờ đến "đích"?

09:35 | 18/12/2013

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ và Quyết định 323/QĐ-UBND ngày 13-2-2012 của UBND tỉnh ban hành Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, xem ra các cơ quan, đơn vị cũng như các địa phương trong tỉnh vẫn cần phải... “cải cách” nhiều.

Nhằm đánh giá công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện CCHC Nhà nước năm 2013 số 857 (gọi tắt là Đoàn 857). Theo đó, Đoàn 857 đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư và Du lịch, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Cục Thuế tỉnh; các huyện Krông Bông, Krông Ana, Krông Pak, Lak, M’Drak và một số xã trực thuộc.

Đoàn 857 kiểm tra việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại Sở Tài chính.
Đoàn 857 kiểm tra việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại Sở Tài chính.

Nhiều “khoảng trống”

Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn 857 mới đây cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì tiến độ công tác CCHC tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn chậm, chưa nhất quán, hiệu quả còn thấp so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Mức độ chuyên nghiệp, kỹ năng hành chính của công chức, viên chức còn hạn chế... Theo ông Miên Klơng, Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Đoàn 857 cho biết, qua kiểm tra tại Cục Thuế tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư và Du lịch, UBND cấp xã cho thấy: Hằng năm các đơn vị này không hề ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC! Trong khi đó, các sở, ngành khác và các UBND cấp huyện được kiểm tra mặc dù có ban hành kế hoạch CCHC nhưng việc thực hiện chưa đúng theo hướng dẫn nên thiếu các nội dung hoạt động, chưa chọn nội dung mang tính đột phá trong công tác CCHC ở từng đơn vị, địa phương. Một số đơn vị còn hạn chế trong việc tuyên truyền, phổ biến nhiệm vụ CCHC. Đối với cấp huyện còn thiếu kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong việc triển khai thực hiện CCHC đối với cấp xã; không có báo cáo Bộ chỉ số CCHC theo quy định, không tổ chức sơ, tổng kết đánh giá mức độ thực hiện hiện nhiệm vụ CCHC để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, biện pháp kịp thời nhằm đẩy mạnh công tác CCHC...

Một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược CCHC chính là việc triển khai thực hiện  cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược CCHC chính là việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định tại nhiều cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được hệ thống đầu mối và phân công cụ thể cho cán bộ đầu mối để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, các đơn vị không có kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính và kịp thời cập nhật những thủ tục mới đã được UBND tỉnh công bố, sửa đổi, bổ sung mà vẫn còn niêm yết những thủ tục đã hết hiệu lực thi hành. Một số cơ quan, đơn vị chưa triển khai Quy chế văn hóa công sở, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ; hằng năm không xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC; chưa xây dựng quy chế nâng lương trước thời hạn nhằm khuyến khích, động viên tinh thần, trách nhiệm trong thực thi công vụ của công chức, viên chức...

Một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược CCHC chính là việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Rõ ràng, nội dung này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn trước. Tuy nhiên, theo ông Miên Klơng thì việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa ở nhiều đơn vị được kiểm tra vẫn chưa đảm bảo theo quy định. Hầu hết các huyện và các xã công khai thủ tục hành chính chưa đầy đủ, bảng niêm yết chưa khoa học và không thuận lợi cho việc tra cứu, tìm hiểu; tình trạng trễ hẹn khi giải quyết hồ sơ thuộc lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao. Tại các xã triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông thuộc lĩnh vực đất đai, việc mở sổ theo dõi tình trạng giải quyết, cập nhật hồ sơ không rõ ràng và đúng quy định, không phản ánh được tình trạng đúng hẹn, trễ hẹn; hầu hết các đơn vị cấp xã khi tiếp nhận hồ sơ không ghi phiếu hẹn cho dân. Thậm chí có đơn vị tương đương cấp Sở vẫn không có một quy định thực hiện thủ tục hành chính nào!...

Cần quyết liệt hơn

Theo phân tích của Đoàn 857 thì nguyên nhân dẫn đến thực trạng công tác CCHC nêu trên một phần là do công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chưa thật sự kiên quyết, thiếu nhất quán, không thường xuyên và thiếu tính đồng bộ; chưa phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Cũng chính vì vậy, các cơ quan, đơn vị chưa có biện pháp, cơ chế tạo động lực và hưởng ứng của cán bộ, công chức, viên chức cũng như chế tài xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị trực thuộc chưa được quan tâm thực hiện, do đó không phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót khi triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC theo quy định, đặc biệt là trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Để chấn chỉnh những yếu kém trong công tác CCHC trên địa bàn trong thời gian tới, theo đồng chí Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8-11-2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 cũng như các chỉ thị, quyết định, các văn bản của Trung ương và địa phương về  CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết chuyên đề về công tác CCHC nhằm đánh giá kết quả những mặt đã làm được tiếp tục phát huy, phân tích tìm ra những nguyên nhân hạn chế, tồn tại để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục và đề ra chương trình, kế hoạch CCHC cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, nhiệm vụ cần thiết và là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương chính là việc niêm yết công khai, rõ ràng tất cả thủ tục hành chính theo từng lĩnh vực và địa chỉ, hộp thư điện tử, số điện thoại chuyên dùng để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính tại bộ phận một cửa và trang thông tin điện tử của đơn vị, địa phương. Tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần giảm tối thiểu chi phí tuân thủ thủ tục hành chính...

Một trong những nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng trong công tác CCHC là công tác bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là ở các lĩnh vực chuyên môn sâu và kỹ năng nghiệp vụ hành chính. Đồng thời, các đơn vị cũng phải duy trì thường xuyên việc thanh tra, kiểm tra công tác CCHC tại đơn vị và các tổ chức trực thuộc nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế thiếu sót, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh cũng như xử lý nghiêm những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Ngoài ra, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác CCHC đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn... Theo ông Miên Klơng, chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và từng cá nhân cụ thể thì công tác CCHC trên địa bàn tỉnh mới có thể “về đích” đúng theo chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 323 của UBND tỉnh.

5 Nhiệm vụ trọng tâm

Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 (theo Quyết định 323 của UBND tỉnh) được chia thành 2 giai đoạn với 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; Cải cách tài chính công. Trong đó, giai đoạn 1 (2011-2015) sẽ sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị tại địa phương để không còn sự chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đổi mới cơ bản quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phấn đấu đến hết năm 2013, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đến năm 2015 ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành và tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008, hệ thống quản lý theo kết quả (PMS). Trong giai đoạn 2 (2016-2020), tỉnh sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng mức độ hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính đạt trên 80%. Phấn đấu đến năm 2020, việc ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước đạt được mục tiêu hiện đại hóa hành chính; 100% cơ quan hành chính Nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm…
 

Việt Hoàng 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ