A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thiếu tiền hay thiếu trách nhiệm?

09:25 | 07/09/2018

Hình ảnh học sinh ở Điện Biên phải chui vào túi ni-lông để người lớn bơi kéo qua suối đến trường làm nhiều người phải sững sờ.

Trước đó, khi báo chí loan tin, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Điện Biên đã đăng lên Facebook cho rằng đây là những thông tin bịa đặt nên dư luận càng phẫn nộ. Lãnh đạo địa phương phải yêu cầu vị chánh văn phòng này gỡ bài và xin lỗi. Nay chính lãnh đạo tỉnh Điện Biên xác nhận những hình ảnh trên là chính xác. Thế nhưng, ông cũng chưa đưa ra được giải pháp cho thực trạng này. Nguyên do lại cũng là thiếu tiền và như thế có thể hiểu người dân tiếp tục đánh cược mạng sống với dòng nước dữ.

Tiền thì biết bao giờ cho đủ! Nhưng cả tỉnh Điện Biên không lẽ kiếm không ra vài tỉ đồng để xây vài chiếc cầu cấp bách phục vụ dân sinh? Chúng ta hẳn chưa quên cũng tỉnh này xây dựng dự án san nền, đường giao thông, thoát nước khu tái định cư Chi Luông, thị xã Mường Lay mất 300 tỉ đồng. Qua một thời gian ngắn, công trình bị sụt lún và lãnh đạo tỉnh lên phương án khắc phục mất... 250 tỉ đồng. Tiền nơi đây chứ đâu! Nếu có năng lực quản lý, giám sát kỹ càng thì tiền đâu phung phí như thế và có thể thoải mái xây vài chục chiếc cầu cho dân đi lại.

Những người đàn ông khỏe mạnh, thạo sông nước được giao nhiệm vụ đưa trẻ qua suối - Ảnh: VOV

Đầu năm 2018, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án nâng cấp sân bay Điện Biên với tổng số vốn lên tới hơn 2.100 tỉ đồng. Nghe dự án này, ai cũng ngạc nhiên bởi Điện Biên là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Hằng năm, trung ương đều phải rót ngân sách để vận hành bộ máy quản lý địa phương. Còn sân bay hiện hữu thì vắng khách, nhiều năm phải bù lỗ. Một chiếc cầu tạm cho học sinh xây không nổi mà xây sân bay ngàn tỉ thì quản lý ra sao?

"Bệnh" này nào chỉ có ở Điện Biên. Nhiều tỉnh nghèo cũng mải mê với những dự án trăm tỉ, ngàn tỉ trong khi đời sống người dân còn khó khăn, các công trình dân sinh thiếu trầm trọng. Nhiều người cũng chưa quên hình ảnh nhiều trường lớp xập xệ, tre nứa, học sinh chân đất lội bộ mấy cây số đến trường ở Hà Giang được báo chí đưa tin. Nhiều nơi đường sá nguy hiểm vượt rừng băng suối tách biệt các bản, làng. Nguyên do được những người có trách nhiệm đưa ra vẫn là thiếu tiền.

Thế nhưng vào tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã gửi tờ trình xin Chính phủ xây trụ sở làm việc mới trong khi những cơ sở hiện nay vẫn còn sử dụng tốt. Mà tiền xây dựng nào ít, lên đến gần 700 tỉ đồng. Muốn sang như thế nhưng ít ai biết tỉnh này còn cả vạn hộ nghèo. Mỗi năm tỉnh này chi ngân sách lên đến gần 10.000 tỉ đồng, phần lớn trong số này phải được trung ương hỗ trợ. Tiết kiệm một phần nhỏ trong số này thôi cũng đủ giúp người dân bao nhiêu chuyện, giúp học sinh có trường lớp đàng hoàng, không phải đứt bữa khi đến lớp...

Không quá khó để nhìn thấy trách nhiệm của không ít quan chức địa phương đối với cuộc sống người dân. Đeo đuổi những dự án tốn tiền núi nhưng không giúp nâng được đời sống người dân, nhất dân nghèo, thì viển vông quá.

Hồ Phi

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ