A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển và vùng biên cương của Tổ quốc - Kỳ 1: Sẵn sàng chiến đấu

10:31 | 19/12/2013

Trong bối cảnh, tình hình mới, các đơn vị hải quân, không quân và vận tải chiến lược luôn đóng vai trò vô cùng to lớn trong việc bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển và vùng biên cương của Tổ quốc.

Họ đã và đang ngày đêm rèn luyện, khắc phục gian khổ, khó khăn để hoàn thành nghĩa vụ với non sông…

Trung úy Nguyễn Đức Lịch tự hào khi trở thành 
người lính vận tải trong một đơn vị anh hùng
Lính vận tải giữa thời bình

Về thăm Lữ đoàn 972 vào dịp chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN (22/12), chúng tôi được lãnh đạo đơn vị giới thiệu giao lưu với "lính vận tải” thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 64 của Lữ đoàn. Ở đây, chúng tôi gặp Trung úy Nguyễn Đức Lịch (SN 1982, quê Ý Yên, Nam Định) là một trong những tấm gương chiến sĩ trẻ có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, tiếp nối xứng đáng truyền thống vẻ vang của lực lượng lính vận tải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Trung úy Nguyễn Đức Lịch kể: Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời anh là được trở thành "lính vận tải” của một đơn vị anh hùng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong quá trình làm nhiệm vụ là chuyến vận chuyển quân trang cho Quân đoàn 3 (đóng tại khu vực Tây Nguyên) vào tháng 5 năm 2013. Lữ đoàn đã tổ chức một tổ lái làm nhiệm vụ, trong đó Lịch được phân công lái xe đi đầu. Đoàn xe hành quân suôn sẻ, cho đến đoạn qua Thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) thì xe của Lịch bị hỏng li hợp. Đoàn dừng lại hai ngày để sửa chữa. Đêm thứ nhất trời mưa, bùn đất văng vào quần áo, vào mặt bộ đội. Trong hai đêm ấy, Lịch phải nằm luồn dưới gầm xe để sửa. Lúc này, anh mới bắt đầu cảm nhận "thấm thía” sự gian khó của lính vận tải. Thật may, trong những ngày lưu lại, các anh còn được sự quan tâm giúp đỡ của người dân địa phương.

Trung úy, phi công Trần Thanh Luân (đứng thứ 2 từ bên tay trái sang) 
cùng các phi công tổ bay Su-30MK2
 
Ảnh: Hồng Phúc

"Cảnh sát cơ động trên không”

Từ hangar (bãi đậu máy bay), những chiến đấu cơ Su 30-MK2, Mi-8, Mi-171,... gầm lên dũng mãnh rồi nối đuôi nhau bay vút lên bầu trời, nhả lại phía sau những quầng lửa đỏ rực… Đó là hình ảnh thường thấy trong một ngày làm nhiệm vụ của các phi công Việt Nam đang công tác lại các Trung đoàn không quân 917, 935 của Sư đoàn 370.

Đến Trung đoàn không quân trực thăng 917, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước rất nhiều những gương mặt phi công với tuổi đời còn rất trẻ nhưng những chiến công mà các anh đã lập được thì không hề nhỏ. Hầu như tất cả các phi công của Trung đoàn đều đã trải qua các nhiệm vụ tuần tiễu trên không; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; huấn luyện bay và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Phan Giang - Ninh Thuận. Đại tá Trần Văn Quang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 hồ hởi báo tin vui với chúng tôi: Mới đây Trung đoàn đã đề nghị khen thưởng các phi công thuộc tổ bay Mi-8 (SH-7843) và tổ bay Mi-171 (SH-SAR04) do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là những phi công dày dặn kinh nghiệm vừa trải qua các chuyến bay làm nhiệm vụ đặc biệt tại quần đảo Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam. Trong đó, tổ bay Mi-171 (SH-SAR04) được giao thực hiện nhiệm vụ cứu hộ khẩn cấp ngư dân trên biển. "Đúng 6h42 ngày 21-8-2013, nhận lệnh từ Sở chỉ huy, Cơ trưởng Lê Quang Vinh cùng với các phi công, nhân viên tổ bay đã nhanh chóng tập hợp đội hình cất cánh từ sân bay Cần Thơ nhằm hướng Trường Sa thẳng tiến. Sau gần 3 giờ bay trên biển trong điều kiện thời tiết phức tạp, tổ bay đã hạ cánh tại đảo Song Tử Tây vào lúc 11h51 và cứu nạn thành công một ngư dân Việt Nam” - Đại tá Trần Văn Quang kể lại.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ngư dân gặp nạn trên biển, trong năm 2013 các tổ bay Mi-8, Mi-171, Mi-172 thuộc biên chế của Trung đoàn 917 cũng thường xuyên thực hiện các chuyến bay ra Trường Sa làm nhiệm vụ. "Không hiểu sao mỗi lần nhắc đến hai tiếng Trường Sa, trong lòng chúng tôi lại dâng trào một niềm khó tả. Có lẽ bởi một tình cảm thiêng liêng như vậy nên trong bất cứ nhiệm vụ nào ra Trường Sa đối với các phi công của Trung đoàn 917 đều được "lên dây cót” rất cao”. Mới đây, đích thân Đại tá Trần Văn Quang - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 đã nhận lệnh đột xuất chỉ huy một tổ bay Mi-171 (SH-8431) cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) cấp cứu Đại đức Thích Thánh Thành - Trụ trì chùa Song Tử Tây bị bệnh nặng về đất liền điều trị. "Ngay khi nhà sư được chuyển vào bệnh viện, chúng tôi đã như vỡ òa cảm xúc. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà chúng tôi đã cảm nhận khi hoàn thành một nhiệm vụ thiêng liêng”. - Đại tá Quang cho biết.

Một tổ bay thuộc Trung đoàn không quân 
trực thăng 917 đang trên đường thực hiện một cuộc diễn tập quy mô lớn
 

"Hổ mang chúa” xuất trận

Rời Trung đoàn 917, chúng tôi "hành quân” đến thăm Trung đoàn không quân tiêm kích 935. Đây là lực lượng mũi nhọn của Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới. Đối với các cán bộ, chiến sĩ trung đoàn, mỗi chuyến bay được xác định tinh thần giống như những "trận đánh” để nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

Trung úy Trần Thanh Luân là một trường hợp như vậy. Anh là một phi công trẻ xuất sắc, dù mới 25 tuổi, nhưng đã đạt được thành tích tham gia hơn 30 giờ bay trên chiếc "hổ mang chúa” tiêm kích SU30-MK2. Luân chia sẻ tin vui với chúng tôi khi vừa được chỉ huy Trung đoàn lựa chọn là đại diện phi công tiêu biểu và là tấm gương gương điển hình trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của đơn vị.

Là thế hệ đàn anh của Luân, Thiếu tá phi công Nguyễn Đại Dũng (36 tuổi) chia sẻ cảm xúc đặc biệt của mình trong những chuyến bay tuần tiễu ra Biển Đông làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng trời, vùng biển và vùng biên giới Tây Nam. Anh bảo: "Cảm giác lần đầu tiên được bay ra Trường Sa trên những máy bay tiêm kích rất đặc biệt. Đó là cảm giác khi máy bay cất cánh, bay vút vào không trung với khoảng cách với mặt đất hàng trăm cây số, nhìn xuống dưới thấy mọi vật đều nhỏ xíu. Cả vùng biên cương phía trước hiện lên là một vùng trời thăm thẳm, phía dưới là biển nước mênh mông như "quả nước” được thu vào tầm mắt. Nơi ấy cũng chính là vùng chủ quyền của dân tộc mình và ở nơi ấy là Tổ quốc thân yêu”.

Thượng tá Huỳnh Mạnh Thắng - Phi đội trưởng Phi đội 1 xúc động nhắc tới những người lính hải quân - những đồng đội của các anh đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. "Nhìn sự hi sinh của họ, chúng tôi luôn xác định phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, nỗ lực rèn luyện thật nhiều để khi cần áp dụng ngay vào nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc”.

THÀNH LUÂN

Kỳ 2: Gìn giữ bình yên vùng biển chủ quyền

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ