A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bao giờ thoát nỗi khổ sổ hộ khẩu?

10:03 | 19/10/2018

Không cần sao chụp sổ hộ khẩu, không cần khai nhiều lần thông tin cơ bản của bản thân, không phải vất vả lưu trữ các giấy tờ tùy thân luôn được xem như sinh mạng... Đó là viễn cảnh được đưa ra trong Dự thảo Luật Cư trú đang lấy ý kiến đóng góp

Ai cũng thấy quản lý dân cư qua sổ hộ khẩu đã quá lạc hậu. Xã hội dần phát triển, hộ khẩu hầu như có mặt ở tất cả các giao dịch dân sự của người dân. Có thể nói không ngoa, không có sổ hộ khẩu thì gần như không thể giao dịch được gì, từ mua bán nhà đất, mở tiệm kinh doanh, đăng ký đất đai, ruộng vườn cho đến đưa con đi học, kết hôn, xin việc làm...

Câu chuyện mệt mỏi và đau đầu nhất là mỗi khi muốn làm việc gì liên quan đến chính quyền thì người dân phải khai đi khai lại những thông tin mà mình khai không biết bao nhiêu lần trong cuộc đời: Sinh sống ở đâu, quê quán nơi nào, sinh năm nào, chứng minh nhân dân số mấy, cha mẹ là ai... Rồi tiếp đó là phải in ấn, sao y đến các cơ quan chức năng địa phương chứng thực từng loại giấy tờ. Công sức, tiền bạc, thời gian... đổ ra không biết bao nhiêu mà kể nếu nhìn nó trong tổng thể quốc gia gần 100 triệu dân Việt Nam.

Không thể quản lý dân cư theo kiểu ấy được nữa bởi gây bất tiện, hao tốn cho người dân và làm nặng nề thêm bộ máy hành chính. Thủ tục hành chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Trong khi công nghệ ngày càng phát triển, kinh tế ổn định, quốc gia thống nhất đã mấy chục năm thì không lý do gì người dân phải luôn vướng mắc, khổ nhọc bởi một cuốn sổ hộ khẩu.

Vấn đề xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an đặt ra từ nhiều năm rồi. Việc thực hiện cũng muộn màng so với các quốc gia cùng khu vực. Thế nhưng từ đó đến nay, việc xây dựng và phát huy hiệu quả của kho dữ liệu này còn hạn chế. Bây giờ mới lấy ý kiến để xây dựng Dự án Luật Cư trú thì có thể trong nhiều năm tới mới nhận được những tiện ích từ đề xuất quản lý dân cư bằng số định danh.

Tại Việt Nam, mỗi ngày có hơn 4.200 đứa trẻ ra đời và được chính quyền địa phương ghi rõ số định danh công dân trong khai sinh. Tuy tên của các cháu đã có trong sổ hộ khẩu nhưng chúng ta hy vọng con số định danh sẽ giúp những công dân mới này không phải vất vả với sổ hộ khẩu như thế hệ ông bà, cha mẹ. 

Phạm Hồ

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ