A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

“Điểm tựa” cho người nghèo tại huyện Cư Jút

09:43 | 11/12/2018

Bằng nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), nhiều hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách trên địa bàn huyện Cư Jút đã có điều kiện đầu tư vào phát triển kinh tế, từng bước nâng cao cuộc sống.

Cán bộ NHCSXH huyện Cư Jút thường xuyên xuống các hộ gia đình kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có vốn sản xuất

Vụ thu hoạch năm nay, vườn cà phê hơn 3 sào của gia đình anh Y Sanh, ở bon U2, thị trấn Ea T'ling cho năng suất bình quân gần 5 tạ/sào. Với sản lượng cả vườn đạt gần 1,5 tấn thì cao hơn khoảng 5 tạ so với mấy năm trước đây.

Theo anh Y Sanh, để có được kết quả này là do gia đình chú trọng đầu tư vào khẩu chăm sóc vườn cây. “Sau khi được NHCSXH giải ngân vốn vay, tôi đã mua phân bón chất lượng để bón cho cà phê. Vào những đợt khí hậu khô, nắng nóng, gia đình mua thêm ống tưới để về phục vụ nước kịp thời cho cây trồng. Khi cung cấp đủ các yếu tố cần thiết, vườn cà phê phát triển khá tốt, năng suất tăng”, anh Y Sanh cho biết.

Được biết, cách đây hơn 2 năm, do không có chi phí để đầu tư, 3 sào cà phê của gia đình anh phát triển kém và đạt năng suất thấp. Mỗi năm, gia đình chỉ dành dụm được số tiền ít ỏi từ công việc làm thêm thợ hồ của anh để mua phân bón. Đến vụ thu hoạch, năng suất vườn cây đạt thấp, cộng thêm các chi phí đầu tư nên hầu như không có lợi nhuận. Năm 2017, gia đình anh được bon bình xét và NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn, anh đã mạnh dạn chi để mua phân bón, các dụng cụ phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu. Ngoài ra, anh còn tham gia thêm các lớp tập huấn về chăm sóc cà phê do địa phương tổ chức. Được đầu tư bài bản, có thêm kiến thức chăm sóc nên vườn cà phê phát triển khá tốt.

Anh Y Sanh cho biết: “Với năng suất bình quân như năm nay, khoảng vài vụ thu hoạch nữa là gia đình tích góp để trả được vốn cho ngân hàng. Sau khi trả hết chương trình này, gia đình mong muốn được phía ngân hàng tạo điều kiện vay vốn theo các chương trình khác để chúng tôi có thêm điều kiện xây dựng cuộc sống ổn định hơn”.

Có nguồn vốn đầu tư, năng suất vườn cà phê của gia đình anh Y Sanh tăng hơn các năm trước

Cũng tại bon U2, gia đình bà H’Dach được vay 40 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư cà phê. Các năm trước, vườn cà phê của gia đình bà chỉ đạt năng suất 2,5 tạ/sào thì vụ mùa năm nay tăng lên 4,2 tạ/sào. Theo bà H’Dách, trước đây do chưa có vốn đầu tư nên gia đình ít tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Vì có tập huấn về mà không có vốn đầu tư cũng không làm gì được. Sau khi được vay vốn từ ngân hàng, hầu hết nguồn vốn được đầu tư vào vườn cà phê nên vườn xanh tốt và cho năng suất cao hơn hẳn.

Theo bà H’Jer, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn bon U2, thị trấn Ea T'ling, trong bon hiện có gần 50 hộ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện theo nhiều chương trình khác nhau, với tổng dư nợ hơn 1,6 tỷ đồng. Đa phần, người dân vay vốn đều phục vụ vào mục đích phát triển cây cà phê. “Trong các thành viên vay vốn thì không phải ai cũng có ý thức chấp hành tốt việc trả gốc, lãi, phát huy hiệu quả vốn vay. Quan trọng là cách tuyên truyền, vận động của mình. Tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh để mình có cách vận động, làm sao cho các hộ vay vốn hiểu được mục đích, ý nghĩa của vốn vay, từ đó, tự giác chấp hành đúng quy định”, bà H’Jer chia sẻ.

Không chỉ có các hộ đồng bào nghèo, cận nghèo ở bon U2, thị trấn Ea T'ling mà trên địa bàn huyện Cư Jút còn có rất nhiều hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Được vay vốn, nhiều gia đình đã có điều kiện xây dựng cuộc sống ổn định hơn.

Giải ngân hết vốn khi có nhu cầu

Ông Huỳnh Quang Dung, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút cho biết, đến nay, dư nợ cho vay của tất cả các chương trình trên địa bàn gần 340 tỷ đồng, với hơn 13.000 hộ gia đình còn vay vốn. Hằng năm, trên cơ sở danh sách bình xét ở cấp xã, thị trấn, đơn vị tổng hợp, kiểm tra, từ đó phân bổ vốn để giải ngân. Hầu hết, các hồ sơ vay vốn đều được làm thủ tục giải ngân ngay trong tháng tại điểm giao dịch các xã, thị trấn. Sau khi giải ngân vốn, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn thường xuyên kiểm tra thực tế tại các gia đình nên việc sử dụng vốn sai mục đích ít khi xảy ra. Hơn thế, để bà con phát huy hiệu quả nguồn vốn, vào các cuộc họp giao ban hằng tháng tại các điểm xã, thị trấn, đơn vị phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội có kế hoạch phối hợp tổ chức các buổi tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi để người dân có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế. Nhờ đó, không những các chỉ tiêu về cho vay, mà ngay cả thu nợ, lãi đều được thực hiện tốt, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu mà đơn vị đã đề ra ngay từ đầu năm.

“Trong kế hoạch, từ nay đến hết 2018, đơn vị còn giải ngân một số chương trình như hộ nghèo, cận nghèo, với tổng vốn giải ngân hơn 900 triệu đồng. Với mục tiêu đã đề ra là không để các hộ vay vốn phải đợi lâu, Phòng giao dịch đã, đang phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để giải ngân đến đúng đối tượng, đúng địa chỉ cho các hộ. Phấn đấu đến hết 15/12, tất cả các hồ sơ vay vốn đều được đáp ứng nhu cầu”, ông Dung cho biết thêm.

Bài, ảnh: Lương Nguyên

    "Trang thông tin điện tử tổng hợp Báo Đắk Nông"

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ