A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Năm 2019: Giảm 44.510 biên chế

08:16 | 16/01/2019

Con số tinh giản biên chế trong thời gian qua là hơn 40.000 người. Dù vậy, kết quả này chưa thực chất vì chiếm đến trên 86% là người nghỉ hưu

Ngày 15-1, tại hội nghị tổng kết công tác ngành nội vụ năm 2018, Bộ Nội vụ cho biết dự kiến năm 2019, tổng biên chế công chức, sự nghiệp giảm khoảng 44.510 người. Trong đó biên chế công chức giảm hơn 5.500 người, biên chế sự nghiệp giảm 39.000 người.

Không hoàn thành nhiệm vụ là tinh giản

Theo Quyết định 1016 của Thủ tướng đã phê duyệt, biên chế cả nước năm 2019 chỉ là 259.958 người. So với năm 2018, con số trên đã giảm khoảng 5.500 người. Trong năm 2019, những cán bộ công chức, viên chức thuộc diện tinh giản căn cứ theo Nghị định 108/2014 và Nghị định 113/2018.

Theo đó, những cán bộ, công chức dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự; chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không bố trí được vị trí việc làm khác để thay thế sẽ thuộc diện tinh giản.

Một công chức TP HCM phải phục vụ hơn 1.000 người dân. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính ở UBND quận Bình Thạnh Ảnh: TẤN THẠNH

Theo Bộ Nội vụ, những trường hợp có 2 năm liên tiếp tại thời điểm xét tinh giản biên chế không hoàn thành nhiệm vụ; viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp… đều được đưa vào diện tinh giản biên chế.

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công

Trong năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng kế hoạch biên chế công chức với phương án giảm 50% biên chế ở các đơn vị, địa phương sau khi thực hiện tinh giản biên chế, nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc. Đối với số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, theo kế hoạch, trong năm 2019 sẽ giảm 1.749 biên chế.

Còn ở Khánh Hòa, để đạt mục tiêu giảm 10% biên chế đến năm 2021 theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì khối hành chính phải giảm thêm trên 100 trường hợp, khối sự nghiệp trên 2.400 trường hợp.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa, cho biết để đạt được mục tiêu tinh giản biên chế, Khánh Hòa đang đầu tư, áp dụng khoa học - công nghệ vào giải quyết các thủ tục hành chính; rà soát các sở, ngành đơn vị nào không làm được việc, làm việc không hiệu quả sẽ mạnh dạn cắt bỏ.

Để hỗ trợ tích cực cho tiến trình tinh giản biên chế, TP Đà Nẵng và Khánh Hòa cũng đang hướng đến việc xã hội hóa, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; đẩy mạnh chuyển đổi cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn ở một số đơn vị sự nghiệp công lập...

Tinh giản biên chế chỉ là... nghỉ hưu

Theo Bộ Nội vụ, đến năm 2018, cả nước tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014 được 40.500 người. Trong số đó có 86,3% hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, 13,5% thôi việc ngay, 0,1% chuyển sang khu vực không hưởng lương ngân sách và 0,07% nghỉ đi học.

Trong đó, Hà Nội đã tinh giản được hơn 1.800 biên chế, Đà Nẵng gần 2.290 người, Thừa - Thiên Huế 612 người, Khánh Hòa 110 người,...

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, việc tinh giản biên chế mới chủ yếu là đối tượng về hưu trước tuổi, chưa tinh giản được đối tượng không bảo đảm yêu cầu công việc ra khỏi bộ máy. Dù đã đạt được kết quả bước đầu song nhiều ý kiến cho rằng với tiến độ này, mục tiêu tinh giản biên chế 10% vào năm 2021 sẽ là thách thức lớn.

Ông Thừa nêu thực trạng vẫn còn một số bộ ngành, địa phương đề nghị bổ sung biên chế, thực hiện tinh giản biên chế; đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển, biệt phái cán bộ, công chức chưa đúng quy định gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, đánh giá con số tinh giản biên chế là lớn nhưng chưa thực chất. Điều mà người dân mong muốn là loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" thì vẫn chưa làm được.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, cho biết đến nay, toàn tỉnh tinh giản được khoảng 1.600 biên chế nhưng chủ yếu cũng là nghỉ hưu. Theo ông Toàn, đây là bài toán khó không chỉ đối với Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương trên cả nước.

"Nhiều người làm việc cả chục năm trong cơ quan nhà nước, để cắt giảm họ cũng không phải đơn giản. Do vậy, phải có những đánh giá cụ thể về cán bộ. Tuy nhiên, việc đánh giá, xếp loại cán bộ để tinh giản biên chế lại gây ra tâm tư, lo lắng cho cá nhân, tập thể" - ông Toàn bày tỏ và cho rằng để tinh giản biên chế những người chưa đến tuổi hưu thì cần có chế độ hợp lý; đồng thời phải có kế hoạch cụ thể để đánh giá, làm công tác tâm lý và ổn định tập thể thì mới thực hiện được. 

 

Biên chế ở TP HCM tiếp tục giảm

Tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP HCM hồi tháng 12-2018, HĐND TP đã thông qua tổng biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính năm 2019 là 11.612 người, gồm 10.954 biên chế công chức và 658 hợp đồng.

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM đã có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ, trong đó xác định giảm 2% biên chế công chức và 3% số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể trong năm 2019, biên chế công chức của TP là 11.453 người, giảm 2% so với năm 2018, vượt so với Bộ Nội vụ giao 3.569 biên chế. Lý giải vấn đề này, UBND TP cho biết TP HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Nếu tính khách vãng lai thì TP trên 13 triệu dân. Điều này đòi hỏi phải có bộ máy, nhân lực thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước theo yêu cầu… Hiện nay, khối lượng công việc đối với công chức hành chính đang bị quá tải.

Nếu không tính khách vãng lai, một công chức TP phục vụ khoảng 700 người dân; nếu tính cả khách vãng lai thì con số này lên đến 1.135 người. Do đó, nếu thực hiện theo số trung ương giao là 7.884 biên chế thì sẽ không đủ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn hiện nay.

Trong 11.453 biên chế công chức năm 2019 có 499 biên chế chuyển về Bộ Nội vụ nên còn 10.954 người. Ngoài ra, TP còn có 658 người theo hợp đồng. Như vậy, biên chế hành chính của TP năm 2019 là 11.612 người, giảm 733 người so với năm 2018.

 

Bộ máy còn cồng kềnh

Theo Bộ Nội vụ, đến cuối năm 2018, số lượng vụ, cục, tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp lại còn 248 tổ chức, giảm 12 tổ chức. Số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ còn 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị. Trong khi đó, số cơ quan cấp cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 7 tổ chức, tổng cục cũng tăng 2 so với năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, chưa đạt yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn chồng chéo, tinh giản biên chế chưa đạt kế hoạch. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều. Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương trong một số lĩnh vực chưa thông suốt, còn tình trạng mệnh lệnh hành chính.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành nội vụ phải nhìn rõ việc tinh giản biên chế chưa gắn với đổi mới, đánh giá, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; còn cán bộ vi phạm đạo đức công vụ. Do vậy, ông đề nghị thực hiện tinh giản biên chế theo tỉ lệ đã đề ra và phải song hành với các giải pháp khác để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. "Chấn chỉnh ngay từ khâu tuyển dụng đến đánh giá cán bộ, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế những người làm việc không hiệu quả" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ