A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nông dân khổ vì thiếu nước

09:50 | 27/02/2019

Bước vào mùa khô, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc tưới tiêu cây trồng, sinh hoạt vì thiếu nước.

Nhiều ngày nay, anh Phạm Văn Lợi (phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ) loay hoay tìm nước tưới cho 4 ha cây trồng xen canh gồm cà phê, tiêu, bơ… Anh Lợi cho biết, thời điểm này đang tưới nước đợt 2 cho cây cà phê, nhưng nước giếng tụt giảm sâu nên chỉ tưới khoảng 2 tiếng là hết nước và phải dừng, chờ có nước lại mới tưới tiếp.

Do rẫy cách xa ao hồ, suối nên nguồn nước duy nhất phục vụ tưới tiêu của gia đình anh đều trông chờ vào 3 giếng khoan, mỗi giếng sâu 60 mét. Những năm trước, các giếng vẫn cung cấp đủ nước tưới cây trồng trong suốt mùa khô. Tuy nhiên, năm nay thời tiết nắng nóng khắc nghiệt làm suy giảm nguồn nước ngầm. Chưa kể nhiều nông dân vẫn còn dùng phương pháp tưới dí trực tiếp vào gốc cây nên rất tốn nước, khiến cho tình trạng thiếu nước thêm nghiêm trọng. Nhìn cây trồng khô héo, xót ruột anh Lợi phải thức đêm chờ có nước để tưới rất nhọc công và tốn thời gian.

Theo anh Lợi, gia đình cũng muốn lắp hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, giảm nhân công tưới nhưng không có tiền đầu tư. Bởi mấy năm nay, nông sản rớt giá liên tục, tiền thu hoạch không đủ trả công, phân bón… Anh đang lo thời tiết nắng nóng, cà phê thiếu nước sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng niên vụ năm sau.

Anh Phan Văn Lợi phải thức đêm chờ có nước để tưới cà phê

Không chỉ cây trồng “khát” nước, người dân cũng khó khăn trong việc tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Ông Nông Văn Định (thôn 4A, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) cho hay, giếng khoan nhà ông bắt đầu cạn, gia đình phải dùng tiết kiệm để chia sẻ cho những hộ xung quanh bị thiếu nước. Nhiều nhà chọn cách khoan giếng tìm nước nhưng không phải ai cũng may mắn. Đơn cử như anh trai ông (ở cùng thôn) vừa bỏ ra hàng chục triệu đồng khoan giếng sâu 60 mét vẫn không có nước, đành phải xin nước hàng xóm để dùng. Ông đang sợ nếu trời tiếp tục nắng gắt giếng nước khô cạn hết thì nguy.

Ông Định chia sẻ, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, rất khó nắm bắt. Cuối năm 2018, gia đình ông lỗ hơn 20 triệu đồng vì phán đoán sai diễn biến thời tiết. Ông kể, tháng 10-2018 sau khi thu hoạch xong vụ lúa đợt 1, thấy thời tiết thuận lợi, có mưa đan xen nên ông cùng nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn gieo lúa vụ hai mong kiếm thêm ít tiền tiêu Tết. Khi lúa phát triển được một tháng, trời bất ngờ dứt mưa, nắng gắt khiến đồng khô, lúa héo. Nhiều nhà bỏ lúa cho trâu bò ăn, còn ông tiếc của nên đầu tư ống dây, máy nổ bơm nước giếng cứu lúa. Cố gắng lắm, ông chỉ cứu được 3 sào, 1 ha còn lại đành bỏ. Tuy nhiên 3 sào lúa chỉ thu được vài tạ thóc không đủ tiền công thu hoạch, tiền dầu bơm nước… Sau vụ này, ông không dám "đánh cược" với thời tiết.

Gia đình ông Nông Văn Định nỗ lực bơm nước cứu lúa.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk đã phát đi 3 Bản tin dự báo hạn hán trên địa bàn tỉnh. Trong đó bản tin mới nhất phát ngày 21-2 dự báo 8 ngày (từ 21 đến 28-2) thời tiết toàn tỉnh ít mây phổ biến không mưa. Tổng lượng dòng chảy trên các sông trong tỉnh dao động theo xu thế giảm. Trên các sông suối vừa và nhỏ lượng dòng chảy duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20 - 30%. Đài Khí tượng thủy văn cũng đưa ra cảnh báo các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Lắk, Krông Bông, Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp tình trạng hạn hán xảy ra nhanh và gay gắt trong thời gian tới, rủi ro thiên tai hạn hán cấp 1.

Huỳnh Thủy

    nguồn: (Báo Đắk Lắk Điện tử)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ