A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bất cập trong xử lý ô nhiễm do chất thải chăn nuôi tại Ya Tờ Mốt

09:09 | 22/03/2019

Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc phát triển mạnh trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân song cũng đang đặt ra những bất cập...

...trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra.

Lâu nay người dân thôn 2 (xã Ya Tờ Mốt) rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi bò của gia đình ông Nguyễn Văn Mừng. Theo quan sát, trại chăn nuôi bò của ông Mừng được xây dựng sát nhà, một trận mưa lớn gần đây khiến hố chứa chất thải bị ngập, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hiện trang trại của gia đình ông Mừng có hơn 80 con bò; dù  chuồng trại đã xây dựng hố đựng chất thải và thường xuyên thu gom, xử lý song do lượng chất thải quá lớn nên tình trạng bốc mùi hôi thối thường xuyên xảy ra. Ông Mừng đã chuyển trại chăn nuôi ra xa nhà nhưng chỉ được một thời gian, sợ bị mất trộm bò, ông lại đưa bò về gần nhà để tiện quản lý cũng như chăm sóc.

Cũng là một trong những hộ chăn nuôi gia súc lớn, gia đình chị Đặng Thị Huệ (thôn 4) đã nhiều lần bị cán bộ xã nhắc nhở về tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại gia đình chị Huệ nuôi gần 100 con heo; dù xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo quy trình khép kín, có hầm xử lý chất thải biogas song do số lượng heo quá lớn, chất thải xử lý không kịp nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính gia đình chị và bà con xung quanh.

 

Nước thải từ trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Mừng tràn ra đường

Được biết, hiện nay xã Ya Tờ Mốt có tổng đàn gia súc khoảng 2.065 con (trâu, bò, heo, dê), được nuôi rải rác tại tất cả các thôn trên địa bàn xã. Số lượng vật nuôi lớn khiến tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi xảy ra ở hầu hết các thôn với mức độ khác nhau. Trong khu dân cư thì ô nhiễm bởi mùi hôi, nước thải; ngoài đồng thì ô nhiễm bởi việc chăn thả gia súc, gia cầm tự do; các kênh mương, ao hồ trở thành nơi chứa chất thải, nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, hầu hết các hộ dân nơi đây đều xây dựng chuồng trại sát nhà để tiện quản lý và chăm sóc khiến tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đã có nhiều hộ chăn nuôi xây dựng hầm khí sinh học biogas để xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi và thu khí sinh học làm chất đốt song do số lượng gia súc, gia cầm quá lớn, thể tích hầm khí xây dựng có hạn, chất thải không được xử lý hết, bị tràn ra môi trường, quá trình thu gom, xử lý hiệu quả chưa cao nên môi trường vẫn bị ô nhiễm.

 

Nhiều hộ dân sống trong khu vực đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền xã thông qua các cuộc họp thôn, xã, tiếp xúc cử tri nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

 

Trước thực trạng trên, UBND xã Ya Tờ Mốt đã tiến hành rà soát các hộ chăn nuôi chưa xây dựng chuồng trại hợp lý, tuyên truyền, vận động bà con di dời công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở; xem đây là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa trong năm. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ xã đến các thôn gương mẫu làm trước trong việc di dời các công trình này ra xa nhà ở. Đồng thời, UBND xã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức các đoàn kiểm tra tại các hộ vi phạm. Tuy nhiên, những biện pháp nói trên dường như chưa phát huy hiệu quả; do chưa có quy định cụ thể về mức độ vi phạm nên quá trình kiểm tra mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền chứ chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi vẫn diễn ra thường xuyên.

Trang Vũ

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ