A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huyện Cư Kuin: Ứng phó với tình trạng thiếu nước sản xuất vụ đông xuân

13:38 | 18/04/2019

Đến thời điểm này, nhiều diện tích cây ngắn ngày vụ đông xuân 2018 - 2019 trên địa bàn huyện Cư Kuin chuẩn bị cho thu hoạch.

Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, các công trình thủy lợi không bảo đảm nước tưới khiến không ít diện tích rơi vào tình trạng khô hạn, thiếu nước...

Tích cực chống hạn

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, do đặc thù mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm, tổng lượng mưa thấp hơn so với trung bình nhiều năm, kèm theo thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài từ trước Tết đến nay đã dẫn đến mực nước các hồ đập thủy lợi xuống thấp. Hiện mực nước ở các hồ chứa phần lớn chỉ còn khoảng 50% dung tích thiết kế; một số hồ, đập dâng nhỏ, lưu vực hạn chế, không có dòng chảy đến đã cạn khô…

 

Nhận định tình hình thời tiết vụ đông xuân 2018-2019 sẽ không thuận lợi cho sản xuất, do đó ngay từ đầu vụ Phòng NN-PTNT đã đề nghị UBND các xã theo dõi sát tình hình thời tiết, đồng thời đánh giá nguồn nước trên địa bàn để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, vụ đông xuân 2018-2019, trên địa bàn huyện gieo trồng gần 2.000 ha cây trồng hằng năm, trong đó lúa nước 1.530 ha (cắt giảm hơn 200 ha), còn lại là diện tích ngô, rau, đậu các loại. Đồng thời, trong quá trình sản xuất, Phòng NN-PTNT tổ chức đoàn công tác, phối hợp với UBND các xã đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất nhằm kịp thời xử lý tình trạng khô hạn tại các cánh đồng, chủ động bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

 

Người dân đặt máy trong lòng hồ thôn 5 (xã Cư Êwi) để bơm nước tưới do công trình không tích đủ nước

Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 122 ha cây trồng bị khô hạn và thiếu nước, chủ yếu là cây lúa. Trong đó, diện tích mất trắng gần 16 ha, với sản lượng ước 100 tấn lúa. Để bảo vệ mùa vụ, thực hiện mục tiêu kế hoạch đề ra của vụ đông xuân 2018-2019, các địa phương đã thực hiện tốt những giải pháp ứng phó với hạn.

 

Xã Hòa Hiệp có diện tích khô hạn, thiếu nước nhiều nhất với 104 ha, gồm 80 ha lúa nước; 24 ha ngô và rau các loại, tập trung tại các cánh đồng Hố Nụ, Ea Gỗ, Đất Đỏ và Đầm Két. Trước tình hình trên, Phòng NN-PTNT đã làm việc với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Cư Kuin thống nhất phương án xả nước từ đập 24 (xã Ea Hu) để cứu 30 ha lúa đang làm đòng và 10 ha dưa hấu sắp thu hoạch. Tuy nhiên, hiện nguồn nước ở đập 24 không bảo đảm nên xã đã hướng dẫn người dân bơm nước từ sông Krông Ana lên để chống hạn cho những diện tích trên.

 

Ông Y Tong Bkrông, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho biết, đến nay các địa phương đã thu hoạch được gần 30% diện tích cây ngắn ngày vụ đông xuân 2018-2019, chủ yếu là lúa nước, rau, đậu các loại. 

 

 

Tương tự, ở xã Ea Tiêu, trong tổng số 165 ha lúa nước thì cũng có khoảng 65 ha có nguy cơ thiếu nước. Do đó, UBND xã đã làm việc với Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Thắng điều tiết nước tưới cho diện tích trên. Hiện đã tưới xong lần 2, bảo đảm cho lúa sinh trưởng phát triển. Ngoài ra, có một số diện tích ở cánh đồng buôn Kram cũng được người dân chủ động tưới bằng nước giếng để chống hạn. 

Cần có giải pháp về thủy lợi

Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 61 hồ chứa, đập dâng với tổng dung tích thiết kế trên 30 triệu m3 nước, đáp ứng tưới cho hơn 6.000 ha cây công nghiệp, 1.800 ha lúa nước vụ đông xuân và hơn 2.500 ha lúa vụ mùa. Tuy nhiên, có nhiều công trình được xây dựng từ năm 1980 đã hư hỏng, xuống cấp, các lòng hồ bị bồi lắng gây thất thoát nước và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tích nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước không đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Đơn cử như ở xã Ea Bhốk, có khoảng 3 ha (thuộc cánh đồng Ea Bih) đang trong giai đoạn làm đòng bị thiếu nước. Nguyên nhân là do kênh N2, hồ Ea Bih đã xuống cấp, một số đoạn bị trũng thấp, hư hỏng; đoạn kênh cuối cao hơn đoạn kênh giữa nên nước không đến được khu vực cần thiết. Hay tại cánh đồng buôn Hra Ea Hning (xã Dray Bhăng), do hồ chứa Hra Ea Hning bị rò rỉ nên không tích được nước để phục vụ sản xuất. Để cứu 4 ha lúa nước đang giai đoạn trổ bông, một số hộ dân phải thuê nước tưới từ giếng khoan. Tuy nhiên, đến nay cũng đã có 0,3 ha bị mất trắng vì không đủ nước tưới…

 

Người dân buôn Kram (xã Ea Tiêu) kéo ống tưới nước cho lúa

Để khắc phục tình trạng trên, huyện Cư Kuin cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như điều tiết nước hợp lý, tổ chức tưới luân phiên, tiết kiệm nhằm khắc phục tình trạng gây thất thoát nguồn nước, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu nước. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, bằng các nguồn vốn khác nhau, huyện đã đầu tư trên 7,5 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa được 12.500 m kênh chính và kênh nội đồng, xây dựng 2 đập dâng, sửa chữa các cống nước…

Tuy nhiên trên thực tế, để thủy lợi phát triển kịp đáp ứng nhu cầu sản xuất trên địa bàn huyện thì cần một nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư sửa chữa, nâng cấp cho các công trình. Trong đó, có 5 hồ chứa xuống cấp (gồm các công trình đập Sình Tre, hồ Ea Sim 2, đập dâng thôn 4, đập Ea Tlá 2, hồ Pưk Prông) cần đầu tư nâng cấp, sửa chữa sớm (giai đoạn 2018 - 2020), với tổng kinh phí 19 tỷ đồng; có 5 hồ đập cần đầu tư xây dựng giai đoạn sau năm 2020 (đập Ea Tlá 1, hồ Ea Tiêu 1, Ea Mtá, hồ thôn 5, đập thôn 26), với tổng kinh phí 13,55 tỷ đồng. Hiện Phòng NN-PTNT huyện cũng đã kiến nghị các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình trên.

Minh Thuận

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ