A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cử tri thở phào

08:04 | 15/06/2019

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIV đã bế mạc vào hôm qua (14-6) và trong ngày có một hoạt động lập pháp rất đáng chú ý: Thông qua dự án Luật Phòng chống tác hại rượu, bia với quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia.

So với diễn biến tại nghị trường cách đây hơn 10 ngày thì tình hình mới đã thay đổi hẳn, từ chỗ "giằng co" với 44,21% đại biểu (ĐB) đồng ý "cấm tiệt" và 43,80% ý kiến ngược lại (hôm 3-6), thì nay có tới 374/446 ĐB tham gia biểu quyết tán thành quy định cấm, chiếm tỉ lệ 77,27%; có hơn 80% ĐB biểu quyết tán thành toàn bộ dự luật.

Điều đó cho thấy sự dân chủ, khách quan, thẳng thắn của QH. Vừa thảo luận vừa lắng nghe dư luận người dân và báo chí cũng là cách ứng xử cầu thị, trách nhiệm và tiến bộ của các ĐB dân cử trong nỗ lực làm tròn vai trò đại diện cho cử tri để tham gia lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao các hoạt động của nhà nước... Và tinh thần này cũng thể hiện rất rõ qua đề nghị "tha thiết" của Ủy ban Thường vụ QH trong Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự luật này, gửi QH trước khi các ĐB biểu quyết thông qua, trong đó ghi: Ủy ban Thường vụ QH tha thiết đề nghị QH bổ sung vào điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm khoản "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Vậy là, kể từ ngày Luật Phòng chống tác hại rượu, bia có hiệu lực (1-1-2020), bất kỳ người nào đã uống rượu, bia sẽ không được lái xe. Phần đông người dân nói chung và các nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội nói riêng vui mừng về quy định quan trọng này song hẳn cũng có không ít người buồn. Chuyện đó không tránh được, bởi vì như vậy mới là xã hội.

Đã là xã hội thì phải đặt lợi ích cộng đồng lên cao nhất. Là người Việt Nam, ai cũng đã thấy tổn thất về nhiều mặt do tai nạn giao thông gây ra mỗi năm khủng khiếp đến chừng nào. Trong các nguyên nhân gây tai nạn thì những trường hợp người điều khiển ôtô, xe máy say xỉn tông chết người thường gây hậu quả từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng. Dù Luật Giao thông đường bộ có quy định chế tài nhưng chưa đủ mạnh. Phải "cấm tiệt" thì mới hy vọng cải thiện tình hình. ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, chia sẻ với báo giới trong ngày 14-6 rằng khi dự luật này được thông qua, ông "thở phào nhẹ nhõm". "Luật có thể sẽ không có tác dụng ngay, cần một quá trình thẩm thấu nhưng sẽ là lời cảnh báo, cách thức để tạo một môi trường giao thông lành mạnh, để khi ra đường người Việt Nam cảm thấy an toàn" - ông Lợi đánh giá.

Cử tri cũng "thở phào" như ông Lợi, bởi đã mong mỏi, chờ đợi và lắm phen "nín thở" nhiều năm nay rồi! Nhìn xa hơn, điều luật ấy còn có thể giúp nâng chất lượng sống của người dân. Để sống vui, sống tốt, tiến tới giàu có và thịnh vượng thì trước hết phải an toàn. Bớt uống rượu, bia còn giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh tật, tâm thần, bạo hành gia đình, bạo lực xã hội…, từ đó cải thiện giống nòi, thể trạng người Việt, đồng thời xây dựng cuộc sống văn minh.

Người tiêu dùng không quay lưng với ngành rượu, bia nhưng "đã uống rượu, bia thì không lái xe" - lời kêu gọi này hoàn toàn đúng đắn và khi đã được luật hóa chắc chắn sẽ có thêm giá trị bội phần. 

HOÀI PHƯƠNG

 

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ