A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nguy cơ dịch tả heo châu Phi bùng phát trên diện rộng

09:10 | 08/07/2019

Bệnh dịch tả heo châu Phi đã bùng phát trên địa bàn Đắk Lắk trong vòng một tháng nay nhưng ở một số địa phương và không ít người dân vẫn còn lơ là,...

... chủ quan khiến tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát diện rộng đang khó tránh khỏi.

Vẫn còn tâm lý lơ là, chủ quan

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 3-7, dịch đã xảy ra tại 129 hộ, 30 thôn, buôn, 12 xã thuộc 6 huyện, thành phố (TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Súp, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Đôn), làm cho 1.438 con heo bị mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng trên 60,3 tấn. Đáng lo ngại nhất là tổng đàn heo có nguy cơ mắc bệnh dịch rất lớn, trên 49.000 con.

Lực lượng thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng khu vực xung quanh các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Hiện dịch xảy ra chủ yếu trên đàn heo của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và thả rông. Tuy nhiên, do người chăn nuôi chậm khai báo, trong khi công tác phòng chống dịch chưa được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quan tâm đúng mức đã khiến cho dịch lây lan trên diện rộng, nhất là địa bàn huyện Ea Súp. Đến hết ngày 3-7, huyện Ea Súp đã ghi nhận dịch tả heo châu Phi tại 6/10 xã, với 98 hộ có dịch, buộc phải tiêu hủy 1.033 con heo mắc bệnh (trọng lượng gần 43 tấn).

Theo đại diện ngành Chăn nuôi và Thú y của huyện, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không áp dụng tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, không có hầm biogas để xử lý phân, không có tường bao quanh khu vực chăn nuôi; khoảng cách giữa các hộ chăn nuôi không xa nên rất khó kiểm soát việc phát tán vi rút tại các ổ dịch. Mặt khác, người dân còn vô tư ra, vào các ổ dịch mà không sử dụng những biện pháp phòng dịch (mặc đồ bảo hộ, phun thuốc tiêu độc khử trùng, dùng vôi sát trùng…); không có biện pháp cách ly các loại vật nuôi khác như chó, mèo, gà... Đây là những đối tượng trung gian lây bệnh khiến dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh.

Tương tự, tại huyện Ea Kar cũng đã ghi nhận một ổ dịch tả heo châu Phi tại thị trấn Ea Knốp, tiêu hủy 79 con heo rừng lai mắc bệnh. Trong quá trình khoanh vùng, xử lý ổ dịch, ngành Chăn nuôi và Thú y huyện đã nhận định nguyên nhân chính phát sinh dịch bệnh tại trang trại này là do sự chủ quan của người chăn nuôi trong tình hình dịch tả heo châu Phi đang bùng phát. Trước hết là người dân đã sử dụng thức ăn thừa để làm thức ăn cho heo; không thực hiện tiêu độc, khử trùng và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; chủ trang trại lại thường xuyên di chuyển đi và về giữa các địa bàn đã phát sinh dịch bệnh. So sánh với trại chăn nuôi lân cận chỉ cách một hàng rào lưới B40, nhờ chủ trang trại này chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đến nay đàn heo vẫn chưa có dấu hiệu bị lây nhiễm.

Trang trại ở xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) thực hiện vệ sinh khu vực chuồng trại để ngăn ngừa vi rút dịch tả heo châu Phi xâm nhập

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp thiết yêu cầu các cơ sở, hộ chăn nuôi tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa vì không thể kiểm soát mầm bệnh từ nguồn thức ăn này. Các địa phương cần nghiêm túc thực hiện những giải pháp xử lý, khoanh vùng, dập dịch khi phát hiện heo nhiễm dịch tả châu Phi; tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo; phối hợp kiểm dịch lưu động song song với các giải pháp chốt chặn để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm trong khâu vận chuyển, hạn chế dịch bệnh lây lan.

Các trang trại tự cứu mình

Trước tình hình trên, Chi nhánh Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam tại Đắk Lắk hiện đang là đơn vị liên kết chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn tỉnh, với tổng đàn 150 nghìn con đã chủ động triển khai đồng bộ những biện pháp để phòng dịch cho các trang trại. Ông Huỳnh Thanh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Công ty cho biết, đa số các trang trại liên kết đều áp dụng chăn nuôi khép kín với quy mô lớn, từ 500 - 1.000 con. Các chủ trang trại đều ý thức cao về công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động bảo vệ tài sản của chính mình. Trong đó, các trang trại kín đều dùng màn che chắn xung quanh để ngăn côn trùng xâm nhập và sử dụng hệ thống phun sương, hạn chế bụi, vi rút phát tán trong không khí bay vào trang trại.

Về phía Công ty, từ đầu tháng 6-2019 đã đưa vào hoạt động Trung tâm tiêu độc khử trùng tại Km 9, đường Nguyễn Văn Linh (TP. Buôn Ma Thuột). Tất cả phương tiện vận chuyển phải thực hiện tiêu độc khử trùng tại đây và chờ trong 2 giờ mới được đến các trang trại. Ngay tại khu vực cổng trang trại, phương tiện vận chuyển sẽ được phun thuốc tiêu độc khử trùng thêm một lần nữa, 30 phút sau mới được vào trang trại.

 

"Các doanh nghiệp chăn nuôi heo nên thực hiện những giải pháp giảm đàn, chỉ tái đàn một phần để hạn chế thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra, đồng thời cần tăng cường bảo vệ trại heo giống. Đối với những trang trại tập trung, phải tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nghiêm túc thực hiện biện pháp tiêu độc, khử trùng; thực hiện các giải pháp ngăn chặn triệt để chim trời, động vật gặm nhấm, côn trùng; chú trọng xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh".

 
Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục quản lý chung Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo

Còn tại những trang trại chăn nuôi liên kết với Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam, việc phòng chống dịch cũng được các trang trại đặc biệt chú trọng để bảo vệ nguồn heo giống. Ngoài việc áp dụng biện pháp tiêu độc, khử trùng, các trang trại đều trang bị xe trung chuyển để kiểm soát mầm bệnh trong quá trình xuất heo, nhập thức ăn chăn nuôi. Nhân công, lao động của các trang trại đều thực hiện ăn, nghỉ bên trong trang trại, hạn chế thấp nhất người ra, vào. Công ty cũng thay đổi thời gian cung cấp tinh heo cho các trang trại, thay vì việc chỉ sử dụng tinh heo trong ngày như trước đây, công ty đã cho phép sử dụng tinh heo trong thời gian từ 5 - 7 ngày để giảm bớt lượt người, phương tiện vào, ra trang trại.

Chia sẻ về các biện pháp phòng dịch, ông Trần Văn Khuôn, chủ trang trại heo Khuôn Ngân (xã Ea Tyh, huyện Ea Kar) cho biết, trang trại của gia đình ông hiện đang nuôi 2.500 con heo thịt và 340 con heo nái nên lượng thức ăn sử dụng hằng ngày rất lớn. Trước khi đưa thức ăn vào sử dụng, nhân công của trại phải chuyển vào kho riêng để phun thuốc khử trùng, chiếu đèn UV và giữ trong vòng 1 đêm để đảm bảo diệt các loại mầm bệnh bên ngoài vỏ bao. Mặc dù đã thực hiện chăn nuôi khép kín, nhưng ông vẫn thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt ruồi và các loại côn trùng khác bên trong trang trại. Theo ông, việc mỗi trang trại bảo vệ tốt đàn heo trước nguy cơ dịch bệnh sẽ đóng góp vào sự an toàn của các trang trại khác cũng như ngành chăn nuôi nói chung.

Minh Thuận - Đinh Nga

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ