A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Ý thức giao thông kém: Tăng cường xử phạt qua camera

07:53 | 11/07/2019

Ngoài hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần xây dựng dữ liệu chung của quốc gia để bất kỳ ai vi phạm giao thông cũng đều bị xử phạt kịp thời, nghiêm minh, không để sót lọt bất cứ hành vi vi phạm nào

Có một thực trạng đáng buồn là tình hình tai nạn giao thông (GT) mỗi năm không giảm hoặc giảm không đáng kể. Thế nhưng, khi tai nạn xảy ra, không ít người đổ lỗi cho phương tiện, quy định pháp luật mà ít khi nhìn lại hành vi của mình.

Cố tình vi phạm

Dễ bắt gặp nhất là cảnh người đi ôtô, môtô, xe máy vô tư vi phạm luật GT: vượt đèn đỏ, phóng nhanh, đi ngược chiều, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm diễn ra nhan nhản khắp nơi. Ngay cả trên các tuyến đường cao tốc, thời gian qua cũng xảy ra tình trạng tài xế ôtô cho xe đi lùi, chạy ngược chiều dù biết hành vi đó bị cấm, có thể gây tai nạn kinh hoàng. Ngay cả người đi bộ cũng vi phạm khi băng ngang đường không đúng quy định, có cầu vượt bộ hành nhưng không đi...

Với học sinh phổ thông, dù chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn được phụ huynh cho điều khiển xe máy phân khối lớn. Hành vi vi phạm này, phụ huynh, thầy cô đều biết nhưng vẫn xem như "chuyện thường ngày".

Lòng đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP HCM) làm nơi đậu xe của garage sửa và tân trang ôtô Ảnh: LÊ PHONG

Luật GT đường bộ năm 2008 và Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định rất chi tiết hành vi vi phạm, mức xử phạt. Các mức xử phạt hiện nay khá nặng, ngoài việc phạt tiền, tạm giữ phương tiện, còn hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe. Người tham gia GT biết nhưng vẫn bất chấp, ngang nhiên vi phạm.

Sở dĩ người tham gia GT vô tư phạm luật, ngoài ý thức chấp hành pháp luật kém, còn có nguyên nhân từ phía cán bộ thực thi pháp luật. Tình trạng người vi phạm GT khi bị lực lượng CSGT thổi phạt thường "dấm dúi" tiền để được bỏ qua đã trở thành thói quen của không ít người. Cá biệt, có trường hợp còn gọi người nhà nhờ can thiệp, cho qua. Không ít cán bộ thực thi công vụ vì nể nang và không loại trừ có tiêu cực đã bỏ qua vi phạm. Chính điều này đã làm cho pháp luật không còn được thực thi một cách nghiêm túc, thậm chí bị vô hiệu.

Xây dựng dữ liệu chung của quốc gia

Để tránh tình trạng người tham gia GT ngang nhiên vi phạm pháp luật, cần tăng cường biện pháp phạt nguội thông qua hệ thống camera. Trước mắt, cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung thêm thẩm quyền, cho phép các lực lượng chức năng có quyền sử dụng hệ thống dữ liệu camera để xử phạt người, phương tiện có hành vi vi phạm khi tham gia GT. TP HCM và một số địa phương trong thời gian qua đã thực hiện việc xử phạt vi phạm GT, đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, do dữ liệu về người, phương tiện vi phạm GT bị xử phạt chưa được kết nối trên phạm vi cả nước nên hiệu quả chưa cao và người vi phạm GT cũng chưa thật sự "tâm phục".

Vì vậy, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần xây dựng dữ liệu chung của quốc gia để bất kỳ người và phương tiện vi phạm GT nào cũng đều bị xử phạt kịp thời, nghiêm minh, không để sót lọt bất cứ hành vi vi phạm nào.

Quan trọng hơn, lực lượng chức năng không lập biên bản trực tiếp với người vi phạm mà thông qua dữ liệu camera, biên bản, các tài liệu, chứng cứ vi phạm được gửi về nơi cư trú cho chủ sở hữu phương tiện. Việc nộp phạt được thực hiện tại cơ quan thu tiền nộp phạt (hiện nay là các ngân hàng/kho bạc), lực lượng lập biên bản không trực tiếp tiếp xúc, làm việc với người vi phạm. Nếu người vi phạm không đồng ý với việc xử phạt, có thể khởi kiện ra tòa để phân xử. 

CSGT Bình Dương ra quân xử phạt vi phạm

Ngày 10-7, Công an tỉnh Bình Dương cho biết trong suốt tháng 7, mỗi ngày từ 6 giờ 30 phút đến 18 giờ, CSGT toàn tỉnh sẽ thay nhau điều tiết GT và xử phạt phương tiện vi phạm tại 3 ngã tư lớn thường xảy ra ùn tắc, tai nạn GT gồm: Giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - ĐT743 (ngã tư Shijar), giao lộ ĐT743C - ĐT743 (ngã tư 550), giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - ĐT743 (khu An Phú).

CSGT sẽ sử dụng hệ thống camera giám sát GT, camera cầm tay và camera của cán bộ, chiến sĩ tuần tra GT để ghi hình hành vi vi phạm làm cơ sở xử phạt.

Trong vài ngày qua đã có hàng trăm tài xế xe container, xe đầu kéo bị xử phạt vì vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, dùng bằng lái giả...

N.Phú

Cần "cách ly"

Để khắc phục tình trạng pháp luật bị vô hiệu hóa, cần thực thi một số giải pháp nhằm "cách ly" người thực thi pháp luật với người vi phạm GT. Cụ thể, nên nghiên cứu phương án không để lực lượng chức năng (CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, thanh tra GT) xuống đường chặn bắt người và phương tiện vi phạm như hiện nay. Bởi lẽ, việc này thời gian qua đã phát sinh nhiều tiêu cực, trong đó có cả việc đôi co, tranh cãi, xô xát giữa cán bộ thực thi nhiệm vụ và người bị cho là vi phạm, vì việc chứng minh lỗi thiếu rõ ràng, không minh bạch. Chưa kể có những trường hợp xảy ra tai nạn nguy hiểm cho người vi phạm lẫn người thi hành công vụ.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn).

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ