A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Luẩn quẩn cái nghèo ở buôn Tar

16:20 | 18/09/2019

Buôn Tar, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) có 51 hộ, 210 khẩu, đa số là người dân tộc M’nông. Trong những năm qua, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều nguồn vốn từ các chương trình,...

... dự án nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế song tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở buôn Tar vẫn rất cao.

Buôn Tar có 45 hộ dân tộc M’nông thì có đến 30 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo. Trong những năm qua, nhiều hộ nghèo trong buôn đã được hỗ trợ làm nhà ở; hỗ trợ vốn, cây con giống để sản xuất, chăn nuôi từ nhiều dự án như: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên…

Có những hộ được hỗ trợ hàng chục con dê, bò; giống, phân bón để trồng dứa, trồng lúa song hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Có 3 gia đình được hỗ trợ nuôi bò nhưng hiện chỉ còn 1 hộ duy trì được; 10 gia đình được hỗ trợ nuôi dê (mỗi hộ 2 con) thì đến nay không còn hộ nào nuôi; 13 gia đình được hỗ trợ phân, giống trồng dứa thì đến nay chỉ có 4 hộ trồng và chăm sóc tốt, một số hộ được hỗ trợ phân, giống trồng lúa cũng không mang lại năng suất cao.

Gia đình Ama Đóe phải hứng nước mưa để sinh hoạt

 

“Theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều thì cả 45 hộ M’nông trong buôn đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì để bà con sớm thoát nghèo… là những việc phải làm nhưng giờ không có kinh phí và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu”.

 
Ông Y Bhí Mdrang, Trưởng buôn Tar

Đã khó khăn, cơn bão số 12 cuối năm 2017 lại khiến nhà cửa của hầu hết các hộ trong buôn bị sụp đổ và tốc mái. Công trình đường điện chiếu sáng trong buôn được Vườn Quốc gia Cư Yang Sin hỗ trợ 40 triệu đồng, bà con trong buôn đóng góp 20 triệu đồng xây dựng cũng bị bão xô ngã, đứt dây, bể bóng điện đến nay vẫn không có điều kiện làm lại… Nhà cửa của nhiều hộ trong buôn được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 167; không ít gia đình phải mượn thêm hàng chục triệu đồng từ ngân hàng để làm nhà nhưng đến nay vẫn chưa có tiền trả nợ.

Như gia đình anh Ama Thuyết được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng từ năm 2016; anh vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 25 triệu đồng để xây dựng nhà. Tuy nhiên, cơn bão cuối năm 2017 đã làm nhà của gia đình anh bị tốc mái khiến gia đình lại phải tốn một khoản tiền sửa chữa. Năm sau là đến hạn trả nợ vay ngân hàng nhưng đến giờ gia đình Ama Thuyết vẫn chưa biết kiếm tiền ở đâu.

Bên cạnh đó, người dân buôn Tar còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước uống, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Do người dân trong buôn đa số làm nhà trên đồi đá, dốc cao nên không thể đào giếng hay khoan giếng được. Vì vậy, suốt hàng chục năm qua, ngoài một số ít hộ người Kinh và một số gia đình ở dưới thấp có thể đào, khoan được giếng thì đa số các hộ trong buôn phải đi lấy nước ở suối Ea Tar về uống và sinh hoạt.

Ông Ama Đóe, người dân trong buôn chia sẻ: “Hằng ngày thành viên trong gia đình tôi phải đi gần 1 km ra suối để gùi nước về dùng. Vào mùa mưa nước suối đục, đường đi lên đầu nguồn lầy lội nên việc lấy nước gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải tận dụng hứng nước mưa để sinh hoạt”.

Người dân buôn Tar phải đi gần 1 km ra suối đầu nguồn lấy nước về sinh hoạt.

Người dân buôn Tar đến nay vẫn đang loay hoay với bài toán chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cả buôn có khoảng 80 ha đất canh tác thì đa số là đất đồi dốc, nhiều sỏi đá, bạc màu. Bà con trong buôn vẫn trồng trọt, canh tác theo kiểu truyền thống, manh mún, ít đầu tư, chăm sóc; trồng các loại cây hiệu quả kinh tế thấp. Việc chăn nuôi cũng gặp khó khăn vì thiếu nguồn thức ăn. Đáng lo ngại là một số người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu nỗ lực thoát nghèo; nhiều hộ lâm vào tình trạng nợ “gối đầu” ở các quán bởi cứ ghi nợ gạo, nhu yếu phẩm, giống, phân bón… rồi trả dần; trong đó, có hộ nợ lên đến hàng chục triệu đồng!

Tùng Lâm

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ