A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Báo động tình trạng suy giảm rừng và đất rừng (bài 2): Chủ rừng bất lực, hay buông lỏng với vấn nạn lấn chiếm đất rừng

13:42 | 18/10/2019

Diện tích rừng bị tàn phá và đất rừng bị xâm lấn (chỉ vài năm-PV) đã lên tới con số hàng nghìn ha. Thế nhưng, câu chuyện khắc phục, trồng lại rừng ở chính những nơi bị phá thì quá ít.

Mất rừng 10, khắc phục 1

Theo thống kê của Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2010 đến tháng 9/2019, toàn tỉnh phát hiện 2.487 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 1.525 ha rừng. Tuy nhiên, các chủ rừng trồng lại rừng, tái sinh rừng chỉ được 176 ha, còn lại 1.343 ha chưa trồng. Điều đáng nói là số diện tích rừng bị phá này hầu hết đang được người dân tái lấn chiếm sản xuất. Một số diện tích người dân đã làm nhà và hình thành cụm dân cư.

Lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chức năng huyện Đắk Song phối hợp cưỡng chế diện tích rừng bị lấn chiếm tại Công ty NTHH MTV Đắk N'Tao quản lý, bảo vệ

Ngoài phá rừng, tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp trái pháp luật cũng diễn biến hết sức phức tạp. Gần 10 năm qua, toàn tỉnh đã lập hồ sơ xử lý 4.574 ha đất rừng bị xâm chiếm; trong đó, mới tổ chức cưỡng chế, giải tỏa được 1.365 ha và trồng lại rừng được 1.000 ha. Diện tích đất rừng đang bị người dân lấn chiếm trái phép và chưa cưỡng chế, giải tỏa hơn 3.209 ha…

Nói về câu chuyện phục hồi diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Việc thu hồi đất rừng bị phá, lấn chiếm hiện nay tỉnh đã có phương án và các đơn vị đang triển khai thực hiện. Tuy các chủ rừng, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã lập biên bản, cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi nhiều diện tích rừng và đất rừng, nhưng vẫn có không ít bị tái lấn chiếm.

Cũng theo ông Dần, việc giải quyết đất rừng bị xâm lấn liên quan đến dân di cư tự do hiện gặp không ít khó khăn. Về lâu dài, những diện tích đất bị lấn chiếm nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp thì ngành chức năng, chủ rừng và chính quyền địa phương cùng vào cuộc vận động người dân trồng rừng, khuyến khích theo hướng nông-lâm kết hợp. Những trường hợp không chấp hành trồng rừng thì ngành Nông nghiệp phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.

 

Tỷ lệ che phủ rừng ở Đắk Nông dưới mức trung bình cả nước

Theo thống kê, năm 2006, tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh là 55,5% thì đến 2017 chỉ còn 38,8%. Như vậy, trong vòng 10 năm, độ che phủ rừng đã giảm đến 16,7%. Đến đầu năm 2019, độ che phủ rừng toàn tỉnh mới đạt 39,15%.

Từ một tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhưng đến nay diện tích đất có rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) toàn tỉnh hiện chỉ còn 255.000 ha. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến ngày 31/12/2018, toàn quốc đạt tỷ lệ che phủ rừng 41,65%.

Kiểm tra đâu sai phạm đó

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, theo Thanh tra tỉnh, từ năm 2017 đến nay, qua 8 cuộc thanh tra, kiểm tra đơn vị đã phát hiện nhiều vi phạm. Cụ thể, qua 2 cuộc thanh tra theo kết hoạch, Thanh tra tỉnh đã phát hiện 9 đơn vị sai phạm về đất rừng với diện tích bị mất 891 ha.

Thanh tra 6 cuộc đột xuất, Thanh tra tỉnh phát hiện 31 đơn vị sai phạm về quản lý đất đai với diện tích 1.913 ha. Riêng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, các đơn vị này đã để mất 1.318 ha rừng tự nhiên, tương đương với số tiền thiệt hại 160,8 tỷ đồng…

Người dân làm nhà trên diện tích đất rừng được tỉnh giao Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) quản lý bảo vệ. Ảnh: Công Tính

Từ các cuộc thanh kiểm tra này, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 142 cá nhân và 46 tổ chức. Thanh tra tỉnh cũng chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xử lý 5 vụ gồm: Công ty TNHH Thiên Sơn, Công ty Đỉnh Nghệ, Công ty TNHH MTV LN Quảng Sơn, Công ty TNHH đầu tư Long Sơn, Công ty TNHH Hoàng Ba.

Còn theo Sở Tài Nguyên và Môi trường, qua thanh tra 25 tổ chức thì phát hiện có 21 tổ chức vi phạm trong công tác quản lý sử dụng đất rừng với tổng diện tích đề nghị thu hồi 1.387 ha.

 

Trong 2 năm xử lý trách nhiệm hơn 40 cá nhân để mất rừng

Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 44, ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh, toàn tỉnh đã tiến hành xử lý trách nhiệm hơn 40 cá nhân do chưa thực hiện hết trách nhiệm, để xảy ra phá rừng trái pháp luật.

Riêng Sở Nông nghiệp-PTNT đã ban hành 19 quyết định kỷ luật cán bộ, công chức liên quan đến các vụ phá rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm 17 công chức kiểm lâm vì chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm để xảy ra phá rừng.

UBND huyện, thị xã đã tổ chức kỷ luật khiển trách 5 người, cảnh cáo 1 người, kiểm điểm rút kinh nghiệm 15 người và 5 ban lâm nghiệp xã. Đối với các đơn vị chủ rừng, cách chức ông Phạm Đình Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa; khiển trách ông Đinh Văn Quý, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn…

 

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng ở các địa phương, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 9 tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn nêu rõ: Các đơn vị, địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Nhiều diện tích rừng ở huyện Đắk Song bị phá, xâm chiếm, nhưng việc xử lý thì rất kém. Phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo ngành, địa phương và chủ rừng đối với những nơi để xảy ra phá rừng…

Có thể nói, cũng vì phá rừng mà trong số các nhóm chỉ tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh đặt ra những năm qua thì chỉ số độ che phủ rừng luôn ở ngưỡng… không đạt. Vậy, câu hỏi được dư luận quan tâm là làm thế nào hạn chế tối đa tình trạng mất rừng, xâm chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh thì vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.

Đức Hùng

    Nguồn "Báo Đắk Nông điện tử"

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ