A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

TP. Buôn Ma Thuột: Nhức nhối chuyện quản lý, bảo vệ hành lang suối (Kỳ 1)

09:55 | 30/03/2020

Mạng lưới suối ở nội thành Buôn Ma Thuột không những là nguồn sinh thủy, thoát nước mặt cho đô thị mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quy hoạch và phát triển, tạo nên nét đặc trưng cho đô thị vùng Tây Nguyên.

Tuy nhiên những năm qua, cây chuyện về công tác quản lý, sử dụng mạng lưới suối ở đây cho thấy vẫn còn nhiều bất cập.

Kỳ 1: Nan giải quản lý hành lang suối

Quá trình đô thị hóa cùng với việc thiếu sự quan tâm đúng mức đã khiến hành lang các con suối trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang bị xâm phạm, lấn chiếm nghiêm trọng.

Trục tiêu nước chính đang dần bị thu hẹp

TP. Buôn Ma Thuột hiện có 5 dòng suối chính, trong đó khu vực nội thành có các suối chính gồm: Ea Tam, Ra Nuôl và Đốc Học. Các suối này thuộc thượng nguồn lưu vực sông Sêrêpốk, chảy theo hướng tây nam, có lưu vực nhỏ, tiết diện dòng chảy tương đối hẹp, cường độ dòng chảy lớn, mực nước thay đổi theo mùa.

Suối Ea Tam là một trong những trục tiêu nước chính của thành phố, có thượng lưu là hai nhánh suối khu vực phía bắc (phường Tân An và phường Tân Lập) hội tụ tại cầu Quốc lộ 26 (đường Nguyễn Văn Cừ), chảy theo hướng tây bắc - đông nam qua địa bàn phường Tân Lập, Tự An, Ea Tam, Tân Thành và Khánh Xuân. Độ rộng mặt cắt ngang của suối khoảng 2-3 m vào mùa khô và khoảng 10 m vào mùa mưa. Ngoài ra, suối Ea Tam có một nhánh nhỏ là suối Ea Siêr có điểm đầu xuất phát từ khu vực đường Bùi Thị Xuân chảy qua khu vực đường Hùng Vương, dọc theo đường Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Cư Trinh và đổ ra suối Ea Tam tại khu vực đường Nguyễn Du. Tuy nhiên, rất nhiều đoạn lòng suối bị thu hẹp còn khoảng từ 1-2 m, có đoạn chỉ còn vòm cống thải nước đen đục ngầu (đoạn ở cầu Hùng Vương khu vực nhà hàng Đại Hùng).

Lòng suối Ea Tam đoạn chảy qua phường Tân Lập đã bị thu hẹp do người dân đã xây kè bê tông hai bên hành lang suối.

Còn suối Ea Nuôl chảy ven phía bắc thành phố, cắt ngang qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Ngũ Lão (qua địa bàn phường Tân Lợi, Thành Công, Thành Nhất và xã Cư Êbur) có tiết diện dòng chảy rộng khoảng 2-3 m vào mùa khô và tới 10 m vào mùa mưa. Suối Ea Nuôl có một nhánh nhỏ là suối Ea Ngay (suối Bà Hoàng) chảy sát dưới đường Nguyễn Thị Minh Khai. Cũng như dòng Ea Tam, con suối này có nhiều đoạn đang dần bị thu hẹp do hành vi xâm lấn, ngăn, nắn dòng diễn ra trong nhiều năm nay.

Phổ biến tình trạng xâm hại hành lang suối

Là một trong trục tiêu nước chính của thành phố nhưng dòng Ea Tam hiện đã bị “biến dạng” ở nhiều đoạn. Theo khảo sát của phóng viên, đoạn qua phường Tân Lập, dòng chảy của suối bị hạn chế bởi tình trạng xây dựng nhà ở, bờ kè, tường chắn lấn chiếm của người dân khiến dòng chảy bị thay đổi đột ngột và bị thu hẹp, có nhiều đoạn chỉ còn khoảng 1-1,2 m, đặc biệt là khu vực thượng lưu cầu Ea Nao (đường Nguyễn Văn Cừ). Ở địa bàn phường Tự An, đoạn suối từ đường Nguyễn Du đến cầu Cây Sung, hành lang suối đã bị một số hộ dân xây dựng bờ kè, tường chắn, công trình nhà ở, nhà hàng ven suối (xây dựng sát mép) như Hội quán Thăng Long, khách sạn Hoàng Biên... làm thu hẹp lòng suối. Đặc biệt ở khu vực này có nhiều đoạn lồi lõm, khúc khuỷu không đảm bảo tiêu thoát nước là nguyên nhân gây ngập úng cục bộ nhiều khu vực thượng lưu.

Hẻm 470 Nguyễn Văn Cừ bị ngập sâu trong nước vào tháng 8-2019.

 

“Hành vi lấn chiếm, kè suối diễn ra nhiều năm qua, trong khi đó công tác quản lý, kiểm tra, xử lý của các cấp, các ngành chưa thường xuyên, kịp thời; biện pháp xử lý không cương quyết và triệt để đối với công trình vi phạm trước dẫn đến trở thành tiền lệ cho các công trình vi phạm sau”.

 
Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột

Còn với nhánh Ea Siêr, dòng chảy cũng đã bị hạn chế do một số công trình xây dựng vi phạm hành lang suối, lấn chiếm, xây bờ kè, tường chắn sát mép bờ suối. Đối với dòng Ea Nuôl, bên cạnh là trục tiêu nước chính phía bắc của thành phố, con suối này còn được khai thác vào mục đích tưới cho nông nghiệp vì có lưu vực rộng, lưu lượng nước lớn. Do có địa hình khá dốc nên mật độ xây dựng các công trình thấp và cơ bản chưa xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang suối. Tuy nhiên, đối với nhánh Ea Ngay (khu vực thượng và hạ lưu cầu Phạm Ngũ Lão thuộc địa bàn phường Thành Công và xã Cư Êbur), tình trạng lấn chiếm, kè suối diễn ra tương đối phức tạp.

Trong khi hành lang suối đang bị xâm hại thì công tác nạo vét và phát quang hành lang lòng suối lại thiếu sự quan tâm dẫn đến tình trạng một số khu vực dòng chảy bị thu hẹp, kèm theo một số đoạn tuyến lồi lõm, khúc khuỷu dẫn đến khó tiêu thoát nước khi có mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực và làm giảm khả năng tiêu thoát nước mưa trong đô thị. Tình trạng xả nước, rác thải trái phép vào các dòng suối vẫn còn diễn ra phức tạp cũng gây ảnh hưởng đến dòng chảy thoát nước, ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng dân cư, gây mất mỹ quan đô thị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao những năm gần đây, nhiều tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột liên tục ngập.

Điều đó càng khẳng định việc bảo vệ, tôn tạo các dòng suối – trục tiêu nước chính của đô thị hiện nay đã trở nên cấp thiết.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Khơi dòng - Cần những giải pháp quyết liệt

Lê Hương

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3501/202003/tp-buon-ma-thuot-nhuc-nhoi-chuyen-quan-ly-bao-ve-hanh-lang-suoi-ky-1-5675740/

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ