Đã lây ra cộng đồng nhiều ngày

Tại cuộc họp, lãnh đạo TP Đà Nẵng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ nguồn lực, sinh phẩm y tế để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng; tăng cường hỗ trợ trang thiết bị y tế, máy thở nhân tạo, ECMO để điều trị bệnh nhân; tạo thuận lợi hỗ trợ chuyên môn, nguồn lực, cả bệnh viện dã chiến đề phòng dịch diễn biến xấu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 29-7 .Ảnh: QUANG HIẾU

Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết đã kích hoạt các biện pháp "chống dịch như chống giặc" như trước đây, siết chặt quản lý địa bàn ở những nơi có nguy cơ cao, tập trung quản lý ở các khu cách ly tập trung, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly khi cần cách ly số lượng lớn hơn. Bộ Quốc phòng yêu cầu biên phòng các địa phương rà soát, kiểm tra chặt chẽ các khu vực biên giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0, do đó, tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các TP lớn. "Vì vậy, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân bởi khi tình hình xấu rồi thì sẽ trở tay không kịp. Do đó, không được chủ quan" - Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch để đề cao cảnh giác.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo. Các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác. "Các bí thư, chủ tịch tỉnh - thành phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác, đồng lòng thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đã được phổ biến" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, "hỏi đâu có đó", nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan. Phải đẩy mạnh truy vết F1 và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, đặc biệt là Quân khu 5, cần tổ chức công tác cách ly cho người dân tại Đà Nẵng một cách tốt nhất

Xem xét tạm dừng hoạt động đông người

Tối 29-7, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Y tế, Quốc phòng tăng cường cán bộ, phương tiện, công cụ, sinh phẩm, vật tư phục vụ xét nghiệm trên diện rộng, tăng tốc việc xét nghiệm tại TP Đà Nẵng và các địa phương liên quan; chú trọng xét nghiệm các trường hợp đã có biểu hiện ho, sốt, đã đến các địa điểm đã bị cách ly, phong tỏa, khu vực có các ca nhiễm bệnh theo thông báo của Bộ Y tế.

Tùy diễn biến dịch, chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng mức nguy cơ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/2020 và Chỉ thị số 19/2020. Tất cả các địa phương đều phải khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng chống dịch của địa phương mình, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới. Trước mắt, các địa phương có ca nhiễm cộng đồng xem xét quyết định việc tạm dừng tổ chức sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Bộ Quốc phòng tăng cường chỉ đạo quản lý chặt chẽ biên giới, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở; quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung. Ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương có phương án tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm an toàn.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã đồng ý phương án tăng cường các vị trí điều trị ở các bệnh viện trung ương, bệnh viện quân đội, các cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam để xử lý tình hình có các bệnh nhân mắc bệnh nền rất nặng. Đồng ý chủ trương đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở y tế tư nhân; ở trung ương do Thủ tướng quyết định, ở địa phương sẽ do chủ tịch UBND tỉnh - thành quyết định. 

34 ca nhiễm trong cộng đồng

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết ngày 29-7, Việt Nam đã ghi nhận thêm 12 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên 450 ca. Chỉ sau 5 ngày (từ sáng 25-7 đến 29-7), Việt Nam đã có thêm 34 ca nhiễm trong cộng đồng, trong đó chủ yếu ghi nhận ở 6 bệnh viện tại TP Đà Nẵng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào sáng cùng ngày, các chuyên gia phân tích tình hình dịch tễ của Đà Nẵng và nhận định thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới nhưng về cơ bản đã khoanh vùng được ổ dịch. TP Hà Nội, TP HCM và Đắk Lắk là những địa phương tiếp theo ghi nhận ca bệnh Covid-19. Một ca tại Hà Nội là nhân viên bán pizza tại cửa hàng 106 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) đến Đà Nẵng từ ngày 12 đến 15-7 cùng gia đình gồm 32 người. 2 trường hợp tiếp theo là đôi vợ chồng mang quốc tịch Mỹ trú tại quận 8, TP HCM, trong đó người chồng đã đến Đà Nẵng 2 lần trong tháng 6 và 7, khám và điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, khi quay về TP HCM thì khởi phát các triệu chứng và đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 28-7 cho kết quả xét nghiệm dương tính với cả 2 người. Trường hợp còn lại được ghi nhận tại Đắk Lắk là sinh viên y khoa đã thực tập tại Bệnh viện Đà Nẵng.

N.Dung

Đưa nhiều người Việt có biểu hiện mắc bệnh về nước

Chiều 29-7, chuyến bay mang số hiệu VN6 của Vietnam Airlines chở 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài. Trong số này có nhiều công nhân có biểu hiện mắc Covid-19.

Toàn bộ người trên chuyến bay được đưa về khu cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất (khoa phòng, giường bệnh, máy thở, trang thiết bị y tế, thuốc men) và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận, điều trị và phòng chống lây nhiễm.

Cùng ngày, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei, Công ty Lilama và Hãng hàng không Vietjet phối hợp với các cơ quan chức năng Brunei đưa gần 180 công dân Việt Nam từ Brunei về nước, trong đó chủ yếu là lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng của Công ty Lilama, một số công dân Việt Nam là người đi du lịch bị kẹt tại Brunei chưa về nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

D.Ngọc

Thế Dũng

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/thoi-su/tang-toc-truy-vet-f1-va-cach-ly-nhanh-20200729232540213.htm