A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bão số 5 được dự báo giật cấp 13, hơn nửa triệu người phải sơ tán

14:56 | 16/09/2020

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của cơn bão số 5 trên Biển Đông, trưa 16/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp khẩn để chỉ đạo ứng phó.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo công tác ứng phó bão số 5 vào trưa 16/9. Ảnh: Minh Phúc.

Bão số 5 được dự báo có mức rủi ro thiên tai cao nhất

Ông Trần Quang Hoài – Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, hiện nay cơn bão đang ở vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 950km.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo từ trưa đến chiều ngày 18/9, bão số 5 sẽ đổ bộ vào khu vực phía Bắc Thừa Thiên - Huế, sức gió cấp 10 – 11, giật cấp 13. Mức độ rủi ro cấp độ 4 (thuộc cấp độ rủi ro thiên tai Thủ tướng chỉ đạo công tác ứng phó).

Điểm đặc biệt, thời điểm bão đổ bộ vào đất liền đúng lúc thủy triều cao nhất trong ngày, nên đây là yếu tố gây sự tàn phá lớn. Ngoài tàu thuyền, một số đối tượng cũng bị tác động như khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu.

Ông Hoài cho biết, dung tích trữ các hồ hiện nay còn chịu đựng được với lượng mưa khoảng 200mm cho cả đợt. Các hồ chứa quan trọng trong vùng nguy hiểm như Tả Trạch, Cửa Đạt và Bình Điền, Ngàn Trươi dung tích chỉ đạt 20% - 40% dung tích thiết kế, nên đây là cơ hội để các hồ chứa này tích nước ở mức cao.

Dự báo hướng di chuyển của báo số 5 từ các mô hình NCHMF - Việt Nam. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Tuy nhiên, một số hồ chứa ở Thanh Hóa và Nghệ An đã tích nước ở mức cao, cần kiểm tra, theo dõi sát sao để có phương án đảm bảo an toàn.

Từ tỉnh Thanh Hóa đến Đà Nẵng có 99 vị trí đê xung yếu và 16 công trình đang thi công; 55 hồ hư hỏng, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo không tích nước vào các hồ ngày.

Cũng theo ông Hoài, hiện nay có trên 98.000 ha lúa mùa cần bảo vệ, trong đó diện tích lúa mùa lớn nhất nằm ở hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Đối với cơn bão cấp 10, giật cấp 13, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã xây dưng phương án sơ tán trên 107.000 hộ với hơn nửa triệu dân (548.000 người) và có thể cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Đặc biệt có thể là phải kích hoạt tin nhắn cảnh báo cho các thuê bao trong vùng người dân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, các địa phương cần kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn khu vực ven biển và các công trình tạm bợ vùng bãi ngang, đầm phá...

Chủ quan với thiên tai đồng nghĩa với thất bại

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, hoàn lưu bão số 5 sẽ gây ảnh hưởng đến các khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ, trong đó tập trung chủ yếu từ các tỉnh Quảng Bình đến Đà Nẵng

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: Minh Phúc.

Với hoàn lưu bão rộng, mưa lớn tập trung trong khoảng 1,5 ngày tại Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ với lượng mưa khoảng 200 – 300mm. Riêng tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế lượng mưa có thể lên tới 300 – 400mm trong cả đợt. Mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn nên nguy cơ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất rất cao, đặc biệt là ngập lụt ở đô thị.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 5 đang tiếp tục tăng cấp, có thể lên đến cấp 12, giật cấp 14. Khu vực bão ảnh hưởng là các tỉnh có sườn núi rất dốc nên nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,... ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân”

“Các địa phương không được chủ quan, vì chủ quan với thiên tai đồng nghĩa với thất bại”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. Dự báo đây là cơn bão rủi ro thiên tai cấp 4 - cấp rủi ro cao nhất nên cần phải quyết liện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai lưu ý, cần tập trung đảm bảo an toàn trên biển, nhất là tập trung kiểm đếm tàu thuyền, các phương tiện vận tải và con người trên biển, không để người dân trên các lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Đối với vùng ven biển đồng bằng, đô thị phải sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, những khu nước ngập sâu, khu nhà ở không an toàn, đặc biệt là khu vực ven biển và trong đất liền. Đồng thời triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước, chống úng, đảm bảo năng suất cây trồng.

Minh Phúc

Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/bao-so-5-duoc-du-bao-giat-cap-13-hon-nua-trieu-nguoi-phai-so-tan-d273189.html

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ