A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Người dân "sập bẫy" "cò" môi giới học lái xe

09:11 | 01/10/2020

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân bị mất tiền oan vì tin vào lời giới thiệu của “cò” môi giới học lái xe.

Hiện nay, nhu cầu đăng ký học và sát hạch lái xe tăng cao, nhưng thay vì tìm đến các địa chỉ, trung tâm đào tạo uy tín để đăng ký thì một số người dân do nhẹ dạ cả tin nên đã đóng tiền cho môi giới. Hậu quả là họ không được ghi danh ở trung tâm nào và mất nhiều thời gian đòi lại số tiền đã đóng.

Anh N.Đ.Th. (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) – một trong những nạn nhân “mắc bẫy” “cò” môi giới học lái xe bức xúc kể: đầu năm 2020, do không tìm hiểu kỹ thông tin, anh đã tin tưởng nộp 6 triệu đồng cho ông Đ.Tr.Tr. (nhà ở đường Hùng Vương, TP. Buôn Ma Thuột) để đăng ký học lái xe ô tô hạng B2 cho vợ. Sau đó, người này hứa khi có lớp khai giảng tại Trung tâm Đào tạo nghề tại Đắk Lắk thuộc Trường Cao đẳng nghề số 5 (Bộ Quốc phòng) thì sẽ chủ động liên lạc.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn bảy tháng, nhiều lần anh liên lạc với ông Tr. bằng điện thoại, dù máy đổ chuông, nhưng không có người nhấc máy. Nhiều lần anh tìm đến nhà, nhưng chỉ gặp vợ hoặc người nhà chứ không gặp được ông Tr. nên không đòi lại được số tiền đã đóng. Lo lắng, anh đến Trung tâm Đào tạo nghề tại Đắk Lắk thuộc Trường Cao đẳng nghề số 5 để hỏi dò hồ sơ của vợ đã được nộp vào hay chưa thì Trung tâm báo chưa có hồ sơ nào có tên vợ anh.

Học viên thực hành lái xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Thành Luân.

Một người dân khác (xin giấu tên) ngụ tại TP. Buôn Ma Thuột không kém phần bức xúc. Chị này cho hay, từ chỗ quen biết, chị nộp tiền học và thi Giấy phép lái xe máy hạng A1 cho ông Đ.Tr.Tr, với lời hứa "bao đỗ lý thuyết", ông Tr. chỉ tiết lộ địa chỉ thi ở Km59 huyện Ea Kar chứ không nói rõ trung tâm, cơ sở nào.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 7, chị được ông Tr. báo xuống huyện Ea Kar để thi thực hành. Do nhà xa, chị phải sắp xếp việc gia đình, con cái để 4 giờ sáng lọ mọ dậy đi thi bằng lái. Chờ đến 11 giờ trưa, khi số lượng học viên chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, sốt ruột chị lại hỏi cán bộ sát hạch thì mới biết mình không có tên trong danh sách thi hôm đó. Sau đó chị liên lạc với ông Tr. thì được trả lời chắc họ quên đưa tên chị vào danh sách, rồi ông Tr. bảo chị về chờ đợt sát hạch khác. Cho đến nay, chị liên tục liên lạc qua Facebook, Zalo và điện thoại cho ông Tr., nhưng ông này không nghe máy. Chị tìm đến Trung tâm Đào tạo nghề tại Đắk Lắk thuộc Trường Cao đẳng nghề số 5 – nơi trước đây ông Tr. làm việc thì được biết ông Tr. đã nghỉ việc từ lâu. Chị phân trần, số tiền nộp học và thi bằng lái xe máy của chị chẳng đáng là bao, song chị chỉ bức xúc vì ông Tr. hứa hẹn nhiều lần, khiến chị tốn thời gian công sức. Sau sự việc này, chị xem đây là bài học kinh nghiệm cho bản thân và cũng khuyên những người khác có nhu cầu học, thi thì sẽ tìm đến cơ sở uy tín ghi danh đàng hoàng chứ không nghe vào lời giới thiệu của ai hết.

Trao đổi vấn đề này, Thiếu tá Võ Văn Thiên, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề tại Đắk Lắk thuộc Trường Cao đẳng nghề số 5 cho biết, ông Đ.Tr.Tr. trước đây làm việc tại bộ phận hành chính của Trung tâm. Khoảng đầu năm 2017, ông Tr. tự ý nghỉ việc, sau đó Trung tâm đã làm các thủ tục theo quy định và chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tr. Thời gian gần đây Trung tâm nhận được một số phản ánh của người dân về việc bị ông Tr. lừa nhận tiền học lái xe nhưng không có tên trong danh sách học tại Trung tâm. Về phía Trung tâm khẳng định, hiện nay đơn vị chỉ có một điểm tuyển sinh và đào tạo duy nhất tại số 10 Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột), không có bất cứ điểm tuyển sinh ở địa phương khác. Trước đây, Trung tâm có dạy tại Huyện đội Ea Súp, Krông Pắc và M'Drắk, chủ yếu đào tạo cho bộ đội xuất ngũ có nhu cầu học lái xe, việc phối hợp này kết thúc từ hơn hai năm nay. Tất cả học viên có nhu cầu học lái xe tại Trung tâm phải đến Phòng tuyển sinh để ghi danh, chụp ảnh trực tiếp ở hệ thống phần mềm, nộp tiền học phí có biên lai, hóa đơn đầy đủ. Do đó, những trường hợp nhận tiền, hứa nộp hồ sơ thay học viên là không có cơ sở và không phải cán bộ, nhân viên của Trung tâm.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, hiện nay toàn tỉnh có 10 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó có 8 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, mô tô và 2 cơ sở đào tạo lái xe mô tô. Cùng với đó là 2 trung tâm sát hạch lái xe ô tô hạng I và hạng II và 1 trung tâm sát hạch hạng III. Ngoài ra, tỉnh có các điểm lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động sát hạch thực hành lái xe trong hình mô tô hạng A1 ở các huyện: Cư Kuin, Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Búk, Krông Pắc, Ea Kar, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ. Các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đều có địa chỉ cụ thể, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân. Do đó, Sở khuyến cáo người dân tìm đến các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe uy tín để ghi danh, tránh “mắc bẫy” đội ngũ “cò” môi giới học lái xe, vừa mất tiền oan, vừa chịu thêm phiền toái.

Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: http://baodaklak.vn/channel/3484/202010/nguoi-dan-sap-bay-co-moi-gioi-hoc-lai-xe-5702466/

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ