A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bão 12 chưa qua, bão 13 đã tới

07:58 | 12/11/2020

Bão Vamco sẽ vào Biển Đông trong ngày 12/11, trở thành bão số 13 của Việt Nam trong năm 2020, với sức gió mạnh nhất đạt cấp 12, giật cấp 15.

Nước ngập nhiều nhà dân ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk). Ảnh: Thuận Nguyễn.

Sáng 11/11, tại Hà Nội, ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT), chủ trì cuộc họp về việc ứng phó với hoàn lưu bão số 12 và theo dõi diễn biến bão Vamco (bão số 13).

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Vamco sẽ vào Biển Đông trong ngày 12/11, trở thành bão số 13 của Việt Nam trong năm 2020, với sức gió mạnh nhất đạt cấp 12, giật cấp 15. Bão số 13 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung bộ, Nam Trung bộ trong khoảng các ngày 14 và 15/11.

Từ 19h ngày 11/11 đến 7h hôm nay, ngày 12/11, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào Biển Đông, đến 7h sáng ngày 13/11 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km. Đến 7h ngày 14/11, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.

Trước đó, ngày 10/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về công tác chỉ đạo ứng phó với các cơn bão số 12 và 13.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 11/11, bão số 12 và mưa lũ sau bão đã làm 2 người chết (1 người ở Quảng Nam và 1 người ở Bình Định); 1 người mất tích tại Phú Yên; 6 người bị thương (tại Bình Định 1 người, tại Phú Yên 2 người, tại Khánh Hòa 3 người); 5 nhà sập (tại Khánh Hòa); 308 nhà tốc mái, hư hỏng (tại Bình Định 7 nhà, tại Phú Yên 8 nhà, tại Khánh Hòa 293 nhà); khoảng 1.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi tại Phú Yên; 1.745 ha lúa bị ngập, hư hỏng tại Khánh Hòa; 1 tàu cá bị chìm khi neo đậu tại Khánh Hòa.

Nước các dòng sông trong khu vực vẫn ở mức cao, cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ. Riêng với tỉnh Đắk Lắk, ngập lụt tại các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk, Krông Na, Krông Bông, M’Drắk, Ea Kar, Krông Pắc, Cư Kuin.

Trong đợt mưa lũ này, Đắk Lắk có gần 600 hộ dân bị ngập lụt, chia cắt, tập trung chủ yếu ở huyện Krông Bông và Lắk; gần 800 ha cây trồng bị ngập lụt; nhiều điểm đường giao thông, cầu tràn bị ngập nặng; xuất hiện một số điểm bị sạt lở đất ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) và xã Đắk Liêng (huyện Lắk).

Tại huyện Ea Kar, 2 ngày qua mưa rất to trên diện rộng, lượng mưa bình quân đo được là 160mm, trong đó, xã Cư Yang mưa to nhất lên tới 236,2 mm. Tại xã Cư Elang, mưa lớn kéo dài đã gây ngập cục bộ tại một số điểm trũng, thấp; nước tràn vào nhà của 70 hộ dân buôn Vân Kiều và 7 hộ dân buôn Ea Rớt. Nước lớn khiến 2 cây cầu nối thôn 2 đi thôn 6D và đường nối thôn 6E đi thôn 6C, qua xã Ea Ô bị ngập, gây chia cắt thôn 2, thôn 4, thôn 6C, buôn Ea Rớt và buôn Vân Kiều; làm trôi 6 con trâu của các hộ dân ở thôn 4.

Xã Cư Elang đã phải bố trí lực lượng ứng trực 24/24h; huy động 1 máy múc tiến hành múc mương thoát nước tại 3 điểm ngập úng của buôn Ea Rớt và Vân Kiều. Không chỉ tại xã Cư Elang, mưa lớn đã gây ngập lụt, làm cô lập 70 hộ thuộc 2 cụm dân cư của xã Cư Prông; nước dâng nhanh gây ngập và chia cắt một số đoạn đường từ thôn 1A, xã Ea Ô đi xã Cư Bông, thôn Quảng Cư 2 đi thôn 23, xã Cư Ni. Nhiều tuyến đường của các xã Cư Yang, Cư Bông, Ea Ô, Cư Elang... bị xói lở gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

Tại tỉnh Phú Yên, mưa lớn trong những ngày qua khiến nước các dòng sông lên nhanh. Ngày 11/11, nước trên sông Kỳ Lộ tại trạm Hà Bằng là 10,95m trên báo động 3 là 1,45m; trạm Xuân Quang là 29,8m trên báo động 2.

Cũng trong ngày 11/11, Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ chạy máy và xả qua đập với tổng lượng về hạ lưu là 3.500 m3/s; Mực nước tại trạm Củng Sơn là 32,15 m trên báo động 2 là 0,15 m; tại trạm Phú Lâm là 2,56 m, trên báo động 2 là 0,14 m. Tỉnh Phú Yên hiện có 50 hồ chứa nước, trong đó có 3 hồ thủy lợi hơn 10 triệu m3. Tới ngày 11/11, các hồ chứa đang tích nước phổ biến ở mức từ 45 - 70% so với dung tích thiết kế.

Tính đến chiều ngày 11/11, tại tỉnh Phú Yên có 1 người mất tích, 2 người bị thương; 62 nhà bị sập, hư hỏng và tốc mái. Nhiều đoạn trên quốc lộ 19C nước ngập mặt đường 1,5 đến 1,8 m, giao thông đoạn qua xã Xuân Long và thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân gián đoạn.

NHÓM PV

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/bao-12-chua-qua-bao-13-da-toi-523356.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ