A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xã Buôn Triết (huyện Lắk): Hàng chục hộ dân phải khoan giếng giữa đồng

08:36 | 11/05/2021

Xã Buôn Triết (huyện Lắk) là địa phương có tổng diện gieo trồng lúa nước lớn nhất huyện Lắk, diện tích gieo trồng vụ đông xuân hằng năm trên 2.000 ha.

Diện tích sản xuất lớn, song hệ thống thủy lợi không đáp ứng nhu cầu về nước tưới nên nhiều năm nay, người dân địa phương buộc phải khoan giếng giữa cánh đồng. Số lượng giếng khoan tập trung chủ yếu ở thôn Kiến Xương và Đoàn Kết 1.

Anh Trịnh Duy Thành (thôn Đoàn Kết 1) cho biết, gia đình anh có 3,5 ha đất trồng lúa nước, một số năm mưa ít, nguồn nước thiếu hụt, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Do vậy, cách đây ba năm, anh đã đầu tư khoảng 24 triệu đồng để khoan giếng cứu lúa vào mùa nắng hạn. Từ ngày có giếng, chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất, sản lượng lúa tăng cao.

Tương tự, hộ bà Phạm Thị Lệ Phúc (thôn Đoàn Kết 1) có 3 ha lúa; để chủ động nguồn nước tưới, gia đình bà cũng phải khoan giếng giữa đồng. Bà Phúc cho hay, nơi đây có điều kiện khá thuận lợi để trồng lúa nước, nhất là đất đai được phù sa bồi đắp hằng năm nên năng suất lúa khá cao. Tuy nhiên, gặp những năm thời tiết nắng hạn, công trình thủy lợi không đáp ứng nhu cầu nước tưới nên năng suất, sản lượng lúa sụt giảm. Năm 2020 bà bàn với chồng bỏ tiền thuê thợ khoan giếng ở khu vực đất sản xuất của gia đình. Với 12 lỗ giếng, mỗi lỗ sâu khoảng 10 m, từ năm 2020 đến nay 3 ha lúa nước của gia đình bà không bị thiếu nước như những năm trước. Đủ nước tưới nên sản lượng lúa đạt rất cao, như vụ đông xuân năm nay, dự kiến gia đình bà sẽ thu được khoảng 30 tấn lúa tươi trên tổng diện tích 3 ha.

Người dân kiểm tra máy bơm từ giếng khoan giữa đồng.

Tại thôn Kiến Xương, tình trạng thiếu nước tưới cho cây lúa cũng diễn ra từ nhiều năm nay, buộc người dân địa phương phải khoan giếng để phục vụ sản xuất mùa khô hạn. Mới đây, tại buổi tiếp xúc với cử tri của các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức tại UBND xã Buôn Triết, bà Dương Thị Chín, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Kiến Xương cho hay, lúa nước là cây trồng chủ lực của người dân xã Buôn Triết nói chung, tại thôn Kiến Xương nói riêng. Tuy nhiên, những năm qua, khi thời tiết nắng hạn kéo dài, nước của kênh mương thủy lợi không đủ cung cấp cho hoạt động sản xuất, buộc bà con phải bỏ tiền khoan giếng, thêm vào đó là mất khá nhiều chi phí để mua dầu hoặc dùng điện bơm nước. Vấn đề này đã được người dân địa phương kiến nghị lên các cấp ngành liên quan, chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết. Bà Dương Thị Biên (thôn Kiến Xương) chia sẻ, cách đây 10 năm gia đình bà đã khoan 1 giếng để phục vụ nước sinh hoạt và tưới lúa. Đến năm ngoái, nguồn nước tại giếng này cạn kiệt nên bà phải khoan thêm 2 cái, trong đó chỉ 1 giếng có nước. Nhà bà chỉ có 6 sào lúa nhưng vào cao điểm mùa khô, do sử dụng điện để bơm nước nhiều nên tiền điện bà phải nộp hằng tháng khoảng 2 triệu đồng.

Máy bơm của một giếng khoan đang bơm nước vào trà lúa muộn tại cánh đồng ở xã Buôn Triết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết khẳng định, hiện nay trên địa bàn xã có 4 công trình thủy lợi, diện tích gieo trồng vụ đông xuân khoảng 2.200 ha. Hằng năm, các công trình thủy lợi trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới cho toàn bộ diện tích cây trồng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế thì một phần diện tích trồng lúa trên địa bàn xã người dân phải sử dụng giếng khoan để chống hạn cho lúa.

Việc khoan giếng giữa đồng để phục vụ sản xuất lúa chỉ là bất đắc dĩ, bởi ngoài mất một khoản chi phí khá lớn (dao động từ 20 – 30 triệu đồng để khoan giếng) thì người dân còn phải bỏ thêm tiền mua dầu hoặc sử dụng điện để vận hành máy móc tưới nước. Do đó, người dân sở tại mong muốn cơ quan chức năng quan tâm, xem xét đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi để bảo đảm nguồn nước tưới, giảm chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng diện tích.

Theo thông tin từ người dân địa phương, tại thôn Kiến Xương có khoảng 15 giếng, thôn Đoàn Kết 1 có gần 40 giếng được người dân khoan giữa các cánh đồng để phục vụ tưới nước cho lúa vào thời điểm khô hạn và chủ động nước gieo trồng vụ hè thu hằng năm để tránh lũ.

Hoàng Tuyết

Bài viết ghttp://baodaklak.vn/channel/3483/202105/xa-buon-triet-huyen-lak-hang-chuc-ho-dan-phai-khoan-gieng-giua-dong-5735095/

 

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ