A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cơn khát ở Tây Nguyên

12:41 | 07/05/2013

Thông thường vào thời điểm này hàng năm Tây Nguyên đang mùa mưa, người dân đã gieo trồng được các loại cây nông sản trên diện rộng, thậm chí có nơi đã rục rịch chuẩn bị thu hoạch các loại cây họ đậu, ngô…

 

 
Mặt sông gần trơ đáy vì khai thác tài nguyên cát bừa bãi,
 đó cũng là tác nhân gây nên tình trạng thiếu nước
 
Thế nhưng, hiện Tây Nguyên vẫn đang trong "cơn khát”.  Nguyên nhân của hiện trạng này do mất cân bằng sinh thái nguồn nước ngầm cũng như nước mặt  bị khai thác không theo quy trình kỹ thuật nào…
 
Khó khăn cho nông nghiệp
 
Trong thời gian gần đây, chỉ tính riêng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên khả năng phát triển nông nghiệp đang có dấu hiệu gia tăng về diện tích đất trồng các loại cây (nông nghiệp, công nghiệp…). Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất tỷ lệ thuận với việc gia tăng diện tích cây trồng. Vì thế, nguồn nước dự trữ bị khai thác triệt để vào mùa khô. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước ở Tây Nguyên hiện nay đã vượt mức cho phép. Căn cứ nhiều số liệu thống kê cho thấy, việc khai thác nguồn nước (cả mùa khô và mùa mưa) trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2003 mới chỉ sử dụng khoảng trên 4,5 triệu m3/ngày (phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu). Thế nhưng, theo Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn tỉnh, đến nay mỗi ngày toàn tỉnh sử dụng trên 8 triệu m3/ngày. 
 
Ông Trần Ngọc Thiện – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Đăk Lăk cho biết: Hiện lượng nước tiêu thụ mỗi ngày lên đến trên 9 triệu khối  (riêng TP. Buôn Ma Thuột chiếm trên 31% nước sử dụng mỗi ngày) và con số này tăng 65,7% so với năm 2007. Cũng Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Đăk Lăk cho biết thêm: Có đến 80% nguồn nước được khai thác sử dụng mỗi ngày là nguồn nước ngầm. 
 
Được biết, để việc cung cấp nước (chủ yếu cho sinh hoạt) trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không bị gián đoạn, đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho người dân, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Đăk Lăk vào những thời điểm "khan nước” đã phải xử lý nguồn nước từ sông Sêrêpôk bằng những hóa chất không độc tố, mới đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.  
 
Với viễn cảnh về nguồn nước ngày càng có dấu hiệu thất thoát trên toàn bộ khu vực Tây Nguyên tất yếu sẽ gây trở ngại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk trong niên vụ Đông Xuân 2012 – 2013, đã có hàng nghìn ha lúa nước bị mất trắng; hàng nghìn ha cây cà phê, cây ca cao cũng như nhiều loại cây dài ngày khác bị người dân đào gốc… Hiện trạng này gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Thực tế, nguồn nước dự trữ tại Tây Nguyên hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào lượng mưa và các điều kiện về địa chất. Tuy nhiên, hiện trạng rừng Tây Nguyên bị tàn phá nghiêm trọng, tài nguyên từ đất cũng bị khai thác vô tội vạ… là những nhân tố tác động làm suy giảm, làm nghèo đi nguồn tài nguyên nước. Bên cạnh đó, thực trạng về lượng mưa ở Tây Nguyên ngày càng thuyên giảm, mùa khô lại kéo dài nên việc chủ động nguồn nước là vô cùng khó. 
 
Cần chủ động nguồn nước 
 
Trong cái nắng gay gắt tháng 5, chúng tôi đến thăm nhiều gia đình tại Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông mới thấy nguồn nước ngầm tại Tây Nguyên đã đến lúc cần chủ động quy hoạch, dự trữ, khai thác và sử dụng hợp lý mới có thể đảm bảo việc ổn định kinh tế nông nghiệp cũng như phát triển các ngành kinh tế đa thành phần. 
 
Gia đình  anh Lê Đình Toàn (Chư Sê – Gia Lai) là một ví dụ. Gia đình anh có rẫy 6,5 ha cà phê, nguồn nước tưới cho diện tích rẫy này dựa vào một giếng đào sâu 30m, rộng 2m. Anh Toàn cho biết, mấy năm trước giếng không chỉ tưới đủ cho diện tích đất vườn mà còn dư nước tưới cho các hộ lân cận với hàng chục ha. Tuy nhiên, đến niên vụ 2012 – 2013, giếng nước nhà anh Toàn chỉ bơm được từ 4 – 5 giờ là cạn. Tương tự, cũng ở một vùng núi khác, hộ ông Nguyễn Đình Chinh (Ninh Gia, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã phải phá bỏ gần 3 ha cây cà phê chủng loại Môka (loại cà phê có giá trị kinh tế cao hơn các loại cà phê khác) do nguồn nước không chủ động được… Điều này cho thấy nguồn nước Tây Nguyên đang cạn kiệt. 
 
Xuất phát từ sự phân bố lượng mưa không đồng đều. Chẳng hạn, các huyện Buôn Đôn, EaSúp (Đăk Lăk) có lượng mưa trung bình chỉ đạt 1.200 – 1.550 ml/năm. Còn ở các huyện như Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm (Lâm Đồng) hay Đăk G’long, thị xã Gia Nghĩa (Đăk Nông) lại có lượng mưa cao hơn từ 3.500 – 5.000 ml/năm… Do vậy, lưu lượng nước ở mỗi địa phương có sự khác biệt. 
 
Bên cạnh đó, nguồn nước của Tây Nguyên hiện đang ở mức báo động. Mặc dù vùng miền này sở hữu nhiều dòng sông lớn như sông Sêrêpôk (Đăk Lăk) Sê San, sông Ba (Gia Lai)… có trữ lượng nước rất phong phú. Lưu lượng chảy của những dòng sông này trung bình khoảng gần 174 m3/giây nhưng đến nay lưu lượng đã giảm khá nhiều. Mặt khác, Tây Nguyên hiện nay có quá nhiều các công trình thủy điện mang tầm cỡ quốc gia như: Thủy điện Sê San 1, 2, 3 (Gia Lai); Thủy điện Đồng Nai 2, 3 4 (Đăk Nông); Thủy điện Buôn Kuôp, Dray Sap (Đăk Lăk) và hàng trăm thủy điện nhỏ được xây dựng trên các hệ thống sông đã tạo nên sự mất cân đối trong việc phát triển, dự trữ nguồn nước. 
 
Từ những hiện trạng trên, thiết nghĩ các tỉnh ở Tây Nguyên cần chủ động nguồn nước, cần có giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng tài nguyên nước hợp lý để chủ động sản xuất và sinh hoạt nhằm ổn định sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề khác. 

    Theo Báo Đại đoàn kết

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ